Tại sao COVID-19 có thể gây ra cục máu đông — và bạn có thể làm gì để giảm nguy cơ này?
Ngày đăng: 21/07/2021 - Lượt xem: 40981

Như thể các biến chứng hô hấp liên quan đến COVID-19 chưa đủ đáng lo ngại, các bác sĩ còn phát hiện thêm một nguy cơ khác do vi rút corona gây ra: cục máu đông, có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim và thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng.

Khi COVID-19 lan khắp châu Âu và gây ảnh hưởng nặng nề ở thành phố New York, tin tức bắt đầu lan truyền về những bệnh nhân có cục máu đông trong não, tim, phổi và chân— và đôi khi ở khắp người. Tại Los Angeles, các bác sĩ đã phải cắt đi chân phải của ngôi sao sân khấu Broadway do đông máu nặng. Nhân viên y tế tại Trung tâm Y khoa Wexner của Đại học bang Ohio cũng bắt đầu thấy cục máu đông ở một số bệnh nhân COVID-19.

“Điều này rất đáng sợ đối với bệnh nhân và cũng đáng báo động đối với các trung tâm y tế”, Danielle Blais, một dược sĩ chuyên khoa tim mạch tại Bệnh viện Tim Richard M. Ross thuộc bang Ohio cho biết, “Chúng tôi đã triệu tập các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm ra cách điều trị tốt nhất cho những bệnh nhân này và chúng tôi vẫn tiếp tục học hỏi thêm mỗi ngày”.

Cục máu đông là một tình trạng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, có thể gây tổn thương não, tim và phổi. Tử vong hoặc các biến chứng lâu dài là điều đáng quan tâm thực sự.

Bác sĩ Matthew Exline, giám đốc y khoa đơn vị chăm sóc tích cực Trung tâm Y khoa Wexner bang Ohio cho biết, trong khi cộng đồng chăm sóc sức khỏe vẫn đang tìm hiểu các cách COVID-19 tấn công cơ thể, có vẻ như có một số yếu tố làm tăng nguy cơ đông máu.

Các yếu tố đông máu

Đầu tiên, COVID-19 có thể gây ra tình trạng viêm nặng nề, điều này kích hoạt hệ thống đông máu.

“Khi bạn bị ngã và trầy da đầu gối, việc này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của bạn và một trong những cách mà hệ miễn dịch phản ứng với chấn thương là làm cho hệ thống đông máu hoạt động tích cực hơn”, Exline nói, “Thật hợp lý khi cơ thể bạn tự nói rằng, nếu tôi thấy một tình trạng nhiễm trùng, tôi cần sẵn sàng để đông máu. Nhưng khi nhiễm trùng lan rộng và gây viêm như COVID-19, khuynh hướng đông máu này có thể trở nên nguy hiểm”.

Và khi bạn bị bệnh COVID-19 hoặc phải tuân theo lệnh ở nhà hoặc cách ly, có thể bạn sẽ không vận động nhiều.

Exline cho biết: “Nếu bạn nằm bất động, bạn sẽ tăng nguy cơ bị đông máu”.

Exline nói thêm, khi kết hợp cùng nhau, tình trạng viêm và bất động tạo nên một môi trường gần như hoàn hảo cho các cục máu đông ở chân và phổi. Dường như những bệnh nhân bị COVID-19 nặng rất dễ mắc phải, cũng giống như những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ về sức khỏe khác như ung thư, béo phì và tiền sử có cục máu đông.

Điều trị cục máu đông

Biết được điều này, các nhân viên y tế đã thay đổi cách họ điều trị bệnh nhân COVID-19 để giải quyết cụ thể nguy cơ đông máu. Việc này đã thu hút sự cộng tác rộng rãi và nhanh chóng. Blais nói, tại Trung tâm Y khoa Wexner, các dược sĩ chuyên khoa cùng với các bác sĩ chuyên khoa chăm sóc tích cực, tim mạch, huyết học, cấp cứu và nội khoa đã phát triển các hướng dẫn về cách quản lý những bệnh nhân này.

Cô nói thêm: “Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện trong vài tuần để hoàn thành khối lượng công việc mà một số người sẽ mất một hoặc hai năm”.

Giờ đây, những bệnh nhân COVID-19 đủ nặng khi vào viện sẽ được xét nghiệm máu để đánh giá hoạt động của hệ thống đông máu. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng bệnh nhân COVID-19 dễ bị đông máu, nhưng bệnh nhân trong ICU cũng có thể có nguy cơ chảy máu.

Exline nói: “Các nhân viên y tế phải cân nhắc cẩn thận giữa rủi ro và lợi ích của việc chống đông máu cho từng bệnh nhân”.

Những người có hệ thống đông máu không hoạt động quá đặc biệt sẽ nhận được các phương pháp điều trị để ngăn ngừa cục máu đông như vớ nén áp lực, túi đệm hơi cho bắp chân hoặc tiêm lượng nhỏ thuốc chống đông. Những người có hệ thống đông máu hoạt động mạnh hơn sẽ nhận đủ liều thuốc chống đông nếu họ không có nguy cơ chảy máu cao.

Tiffany Ortman, dược sĩ chuyên khoa chăm sóc bệnh nhân ngoại trú tại Bệnh viện Tim Ross cho biết: “Chúng tôi đang phải suy nghĩ kỹ về cách tiếp cận với việc điều trị, đặc biệt là do dữ liệu hạn chế về bệnh nhân COVID-19”.

Sau khi bệnh nhân xuất viện, các nhân viên y tế tiếp tục theo dõi bệnh nhân về các triệu chứng đông máu và giúp giảm thiểu rủi ro thông qua thuốc. Một số nghiên cứu đang tiến hành hiện cố gắng tìm hiểu xem bệnh nhân nên dùng thuốc chống đông máu trong bao lâu sau khi hồi phục COVID-19.

Cục máu đông và việc tiêm ngừa COVID-19

Tin tức gần đây từ cả châu Âu và Hoa Kỳ đã làm dấy lên lo ngại về cục máu đông sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Điều quan trọng cần lưu ý là các loại vắc xin phổ biến nhất ở Hoa Kỳ – vắc xin Pfizer và Moderna – không tìm thấy có nguy cơ đông máu cao.

Exline lưu ý thêm, các trường hợp có cục máu đông đã được báo cáo ở châu Âu sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca và ở Mỹ với vắc xin Johnson & Johnson, nhưng những sự cố này cực kỳ hiếm.

“Có thể nguy cơ đông máu là cực kỳ thấp với vắc-xin COVID-19, nhưng nguy cơ bạn gặp tai nạn trên đường lái xe đến buổi hẹn tiêm vắc-xin cao hơn nguy cơ bị tác dụng phụ từ chính vắc-xin”, Exline nói, “Điều quan trọng cần nhớ là nguy cơ hình thành cục máu đông do nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều so với bất kỳ tác dụng phụ nào của vắc-xin. Nếu bạn muốn bảo vệ mình khỏi cục máu đông, hãy đi tiêm ngừa”.

Ai có nguy cơ bị đông máu nhiều nhất và cần tìm kiếm điều gì?

Aaron Dush _ dược sĩ thực hành chuyên khoa tại Bệnh viện Ung thư James và Viện nghiên cứu Solove, cho biết những người bị COVID-19 nặng có vẻ bị ảnh hưởng do cục máu đông nhiều hơn, những người không phải vào viện vẫn có thể gặp rủi ro.

Những bệnh nhân này, cũng như tất cả mọi người, nên theo dõi các dấu hiệu của cục máu đông và đột quỵ hoặc đau tim có thể xảy ra:

  • mặt bị xệ
  • yếu một tay hoặc chân
  • nói khó
  • mới sưng, dễ đau khi chạm vào, đau hoặc đổi màu ở tay hoặc chân
  • khó thở đột ngột
  • đau ngực hoặc đau lan đến cổ, cánh tay, hàm hoặc lưng

Gọi cấp cứu nếu bạn đang có các triệu chứng đáng lo ngại.

Và lời khuyên tốt nhất của Dush dành cho những bệnh nhân COVID-19 ở nhà là: Hãy luôn vận động. Uống đủ nước. Khi bạn đang ngồi, hãy cố gắng nâng cao chân.

Giữ cho máu luôn chảy, theo đúng nghĩa đen của nó.

 

Nguồn: Lori Kurtzman (2021). Why COVID-19 could be causing blood clots—and what you can do to lower your risk. The Ohio State University Wexner Medical Center.  Link: https://wexnermedical.osu.edu/blog/blood-clots-covid

Biên dịch: ASMI Translation & Interpretation. Link bài dịch tiếng Việt của nhóm ASMI: https://www.facebook.com/asmi.vn/photos/pcb.230867252174228/230867038840916

Trích: https://www.nhipcauduoclamsang.com/tai-sao-covid-19-co-the-gay-ra-cuc-mau-dong-va-ban-co-the-lam-gi-de-giam-nguy-co-nay/



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 53

  • Tổng lượt truy cập: 20864221

  • Hôm nay: 6400