Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận kỹ thuật chụp mạch máu não bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA
Ngày đăng: 24/12/2022 - Lượt xem: 2304
Đội ngũ chuyên gia, bác sỹ đến từ Khoa Đột quỵ (Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Trung ương Huế) vừa trực tiếp hướng dẫn các bác sỹ Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) chụp mạch máu não bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cho 5 bệnh nhân.
Chiều 23/12, các chuyên gia, bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các bác sỹ Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chụp mạch máu não bằng hệ thống DSA cho bệnh nhân.
Đây là những bệnh nhân bị đột quỹ não, đã điều trị ổn định và được chỉ định chụp mạch để xác định các tổn thương hoặc dị dạng mạch máu não, từ đó có phương án điều trị sớm cho người bệnh, tránh bị tổn thương và di chứng.
Qua kết quả chụp, 3 bệnh nhân không có bất thường mạch máu não, tiếp tục được chỉ định điều trị nội khoa; 2 bệnh nhân có dấu hiệu bất thường về mạch máu não, tiếp tục được theo dõi, sau 6 tháng sẽ kiểm tra lại, tùy tình trạng bệnh để quyết định có phải can thiệp mạch hay không.
Bệnh nhân được theo dõi, thăm khám tại Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) trước khi chụp mạch.
Được biết, để tiếp nhận kỹ thuật chụp và can thiệp hút huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp, trước đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử 1 kíp tham gia lớp đào tạo về can thiệp mạch não, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất đáp ứng yêu cầu của việc triển khai kỹ thuật này.
Theo kế hoạch, các chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo từng đợt. Dự kiến khoảng 6 tháng đến một năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ làm chủ được kỹ thuật cao này.
Một ca chụp mạch máu não bằng hệ thống DSA được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bs. Nguyễn Xuân Thái – Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não, bao gồm nhồi mãu não và xuất huyết não) là bệnh lý cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao. Những người thoát khỏi tử vong thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác và tinh thần.
Tại Hà Tĩnh, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận khoảng 1.000 -1.500 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có khoảng ½ bệnh nhân phải can thiệp chụp mạch máu não. Việc tiếp nhận kỹ thuật “chụp và can thiệp hút huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp” sẽ giúp phát hiện và can thiệp sớm đột quỵ não, hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng, người bệnh đột quỵ được điều trị cấp cứu kịp thời tại chỗ mà không phải mất thời gian chuyển lên tuyến trên.
Hạnh Loan - Thu Hòa