Vững vàng sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân (Bài 1): Khẳng định vị thế của cơ sở y tế đầu ngành
Ngày đăng: 24/02/2022 - Lượt xem: 1623
Trong hành trình 67 năm phát triển với nhiều cống hiến, chặng đường hơn 2 năm chiến đấu với đại dịch COVID-19 là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự nỗ lực, hy sinh và trưởng thành của ngành y tế Hà Tĩnh. Cả 3 tuyến từ tỉnh, huyện đến cơ sở đã nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp tục vững vàng sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Không chỉ đảm bảo an toàn trước dịch bệnh COVID-19, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh còn nỗ lực nâng tầm về chất để điều trị hiệu quả cho người bệnh trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch, khẳng định chất lượng, vị thế của cơ sở y tế đầu ngành.
|
Giữ an toàn cho “đầu não” khám, chữa bệnh
Là cơ sở y tế đầu ngành của tỉnh nhà, mỗi ngày tiếp nhận trên 1.000 lượt người đến khám, chữa bệnh (KCB) ngoại trú và 800-1.000 bệnh nhân điều trị nội trú nên BVĐK tỉnh được coi là cơ sở đầu não trong công tác KCB trên địa bàn. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn, ngăn dịch xâm nhập vào bệnh viện là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
BVĐK tỉnh test nhanh cho tất cả bệnh nhân và người nhà khi nhập viện cấp cứu, điều trị nội trú.
Tiến sỹ Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Tùy diễn biến của dịch bệnh và các hướng dẫn phòng chống dịch của ngành y tế, bệnh viện đưa ra các giải pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, việc sàng lọc và thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” là những giải pháp chủ đạo, xuyên suốt để ngăn dịch xâm nhập vào bệnh viện”.
BVĐK tỉnh đang tiếp nhận và điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nặng.
Thời điểm dịch diễn biến căng thẳng ở nhiều địa bàn, tỷ lệ bảo phủ vắc-xin còn thấp và chưa thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, BVĐK tỉnh thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ các giải pháp phòng chống dịch. Khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt theo chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp phòng chống dịch tại BVĐK tỉnh cũng được điều chỉnh phù hợp.
Tiến sỹ Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh thông tin một số nội dung về công tác phòng, chống dịch và khám chữa bệnh của bệnh viện.
“Trải qua thời gian dài ứng phó với dịch bệnh COVID-19, với sự chuẩn bị chu đáo về các phương án, vật tư, thiết bị và sự trưởng thành về cả mặt ý thức và chuyên môn của cán bộ, nhân viên nên hoạt động thăm khám, điều trị cho người bệnh được duy trì, đảm bảo. Mặt khác, trong tình hình dịch hiện nay, bệnh viện còn trở thành địa chỉ tin cậy để tiếp nhận, điều trị hiệu quả cho rất đông bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng khi số ca bệnh đang tăng nhanh mỗi ngày” - Tiến sỹ Lê Văn Dũng khẳng định.
Bước chuyển mới về chất lượng trong cấp cứu, điều trị
Trong bối cảnh dịch bệnh tác động sâu đến công tác KCB của các cơ sở y tế, để nâng cao năng lực điều trị, góp phần giúp người dân hạn chế chuyển tuyến, bệnh viện đã không ngừng đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, nhất là hệ thống máy thở, máy HFLC, máy lọc máu thường và máy lọc máu liên tục…
Bác sỹ Nguyễn Viết Hải - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực kiểm tra cho một bệnh nhân vừa được thay huyết tương.
Cùng với đó, đào tạo 40 lớp về hồi sức cấp cứu cho cán bộ, nhân viên y tế, cử một kíp đi học Ecmo (tim - phổi nhân tạo) để sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân nặng. Một số kỹ thuật mới về hồi sức, nội soi, phẫu thuật hàm mặt, xét nghiệm chức năng cao… cũng được triển khai thành công. Ngoài ra, các khoa chuyên môn tăng cường việc hội chẩn từ xa với các bệnh viện tuyến trên để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho các ca bệnh phức tạp.
Bác sỹ Nguyễn Viết Hải - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: “Trong thời gian gần đây, với sự hỗ trợ, đầu tư về máy móc và sự nỗ lực của các y, bác sỹ, khoa đã làm chủ thành công các kỹ thuật lọc máu liên tục, thay huyết tương, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, theo dõi huyết áp động mạch xâm lấn, hạ thân nhiệt chỉ huy. Nhờ vậy, các bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, biến chứng suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng do tăng triglycerid, viêm phổi ARDS, cơn nhược cơ nặng, ngừng tuần hoàn… được cứu sống kịp thời. Trước đây, các bệnh nhân sẽ phải chuyển lên tuyến trên rất sớm”.
Được biết, đến nay, Khoa Hồi sức tích cực đã thực hiện thành được 32 ca thay huyết tương, 30 ca lọc máu liên tục, 1 ca hạ thân nhiệt chỉ huy, giúp người dân không phải chuyển tuyến.
BVĐK tỉnh triển khai kỹ thuật nội soi tiêu hóa cho trẻ em.
Còn tại Khoa Ngoại thần kinh, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các y, bác sỹ cũng đã nỗ lực để làm chủ kỹ thuật phẫu thuật mới, phức tạp, giúp người bệnh được cấp cứu, điều trị hiệu quả ngay tại bệnh viện.
Đến nay, khoa đã thực hiện thành công các phẫu thuật bơm xi măng sinh học vào cột sống, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm đa tầng, phẫu thuật giảm áp trong điều trị nhồi máu não, phẫu thuật viền xương sọ, phẫu thuật lấy màng tủy trong ống sống, phẫu thuật u trong ống sống… Ngoài ra, khoa cũng triển khai phẫu thuật thường quy đối với các chấn thương về sọ não.
Lãnh đạo Khoa Ngoại thần kinh đang đánh giá tình trạng chấn thương của một bệnh nhân qua hình ảnh chụp.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh chia sẻ: “Khi làm chủ được các kỹ thuật phức tạp, BVĐK tỉnh đã giúp nhiều bệnh nhân được điều trị hiệu quả tại chỗ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Ví dụ như trước đây, nhiều ca bệnh chấn thương sọ não khi phải chuyển lên tuyến trên, thời gian vận chuyển kéo dài khiến bệnh nhân dễ nguy kịch, nhiều lúc tử vong trên đường đi, thì hiện nay tình trạng này đã được cải thiện khi bệnh viện làm chủ kỹ thuật về sọ não”. Theo tổng hợp từ BVĐK tỉnh, từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến Trung ương đã giảm 10% so với những năm trước.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động sâu đến công tác KCB, song với sự chủ động, linh hoạt trong xây dựng các phương án phòng chống dịch nên BVĐK tỉnh vẫn thực hiện tốt sứ mệnh khám, điều trị cho bệnh nhân và là cơ sở chi viện lớn cho hoạt động phòng chống dịch tại nhiều địa bàn và các tỉnh bạn. Đặc biệt, trong gian khó, bệnh viện đã phát triển, làm chủ được nhiều kỹ thuật mới để cấp cứu, điều trị cho các ca bệnh phức tạp. Đây là sự nỗ lực rất lớn của bệnh viện và sẽ là tiền đề để có thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu sẽ được phát triển thành công trong thời gian tới, giúp người dân tiếp tục được chăm sóc, điều trị hiệu quả hơn nữa ngay tại tỉnh nhà
Bác sỹ Nguyễn Tuấn - Quyền Giám đốc Sở Y tế.
|
Theo Báo Hà Tĩnh