BVĐK tỉnh Hà Tĩnh triển khai thành công kỹ thuật tách các chế phẩm máu
Ngày đăng: 04/07/2017 - Lượt xem: 2231

Khoa xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa triển khai thành công kỹ thuật tách các chế phẩm máu.

Cụ thể, các chế phẩm được điều chế bao gồm: khối hồng cầu, huyết tương tươi đông lạnh và huyết tương đông lạnh.

Tiến hành tách các chế phẩm máu

Máu gồm các thành phần hữu hình (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương (chứa các chất dinh dưỡng, chất vận chuyển, các yếu tố đông máu ...). Cho đến nay, chưa có một loại thuốc, thực phẩm chức năng hay bất kì một sản phẩm nhân tạo nào có thể thay thế cho máu và các chế phẩm máu trong việc điều trị và cấp cứu người bệnh. Máu và các chế phẩm từ máu được sử dụng ngày càng nhiều trong công tác chữa bệnh với mục đích bồi hoàn thể tích tuần hoàn máu, bồi hoàn thành phần thiếu của máu hoặc để hồi sức cho bệnh nhân khi dùng thuốc hóa trị có ảnh hưởng đến tủy xương.

 Quá trình truyền máu là đưa thành phần sống của cơ thể này vào cơ thể khác do vậy phải đảm bảo thành phần được truyền có thể tồn tại trong cơ thể người nhận và không gây ra phản ứng miễn dịch nào.

Thạc sỹ Hoàng Quốc Anh – Phụ trách Phòng huyết học truyền máu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Việc truyền máu toàn phần gặp một số bất lợi như: Máu toàn phần chứa rất ít yếu tố đông máu, có lượng kali cao, H+, ammonia… dẫn đến nguy cơ gây rối loạn đông máu và điện giải; Bệnh nhân nhận một lượng lớn kháng nguyên nên nguy cơ phản ứng dị ứng xảy ra là rất cao.

Khối hồng cầu...

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian qua đã ghi nhận một số bệnh nhân có các biểu hiện dị ứng (ngứa, nổi mề đay…) sau khi được truyền máu toàn phần tại các khoa lâm sàng. Ngay sau khi hội chẩn với huyết học và chỉ định truyền khối hồng cầu, bệnh nhân đạt được lượng huyết sắc tố mong muốn mà không xảy ra phản ứng dị ứng như trước. Ngoài ra, quá tải tuần hoàn cũng đang là vấn đề hay gặp và làm đau đầu các bác sĩ lâm sàng khi truyền máu toàn phần để đạt được mức dung tích hồng cầu mong muốn. Vì vậy việc tách các thành phần máu từ máu toàn phần là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

... và huyết tương tươi được tách ra từ máu toàn phần

Với một đơn vị máu vừa được lấy từ người hiến máu, sẽ được tách ra từng thành phần: hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, tủa lạnh. Kỹ thuật này cho phép sử dụng tối đa các thành phần của máu và cách lưu trữ, bảo quản thích hợp hơn so với máu toàn phần. Bên cạnh đó việc truyền chế phẩm máu sẽ giúp cho bệnh nhân có được thành phần máu mà cơ thể thiếu, không phải chịu thêm những gánh nặng, nguy cơ từ các thành phần khác mà máu toàn phần mang lại, từ đó giúp cho việc điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh được tốt và hiệu quả hơn, Thạc sỹ Anh cho biết thêm.

Tuấn Dũng - Song Hào



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 130

  • Tổng lượt truy cập: 23733515

  • Hôm nay: 16737