BVĐK Tỉnh: Nội soi gắp xương gà kích thước lớn trong lòng thực quản
Ngày đăng: 18/04/2019 - Lượt xem: 2834

Bác sĩ Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa tiến hành nội soi gắp thành công dị vật xương gà có kích thước lớn trong thực quản bệnh nhân.

Trưa ngày 17/4/2019, trong lúc ăn cơm cùng thịt gà, ông Nguyễn Văn D. 55 tuổi, địa chỉ xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh bị sặc, sau đó xuất hiện nghẹn và đau vùng cổ. Ngay lập tức, ông D được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Thị xã Kỳ Anh. Tuy nhiên, khi nội soi Tai Mũi Họng lại không phát hiện điều gì bất thường.  Đến tối, ông vẫn cảm thấy đau vùng cổ, đau tăng lên khi nuốt, không ho, không khó thở.

Sáng ngày 18/4, ông cùng người nhà đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thăm khám, được chẩn đoán Theo dõi hóc xương gà và được chỉ định nội soi thực quản kiểm tra.

Các bác sỹ tiến hành nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân D

Khi tiến hành nội soi, các bác sỹ phát hiện cách cung răng trên khoảng 15cm có dị vật lớn cắm sâu vào thành thực quản, nghi xương gà.

Hình ảnh mảnh xương gà trong lòng thực quản

Sau khi thông báo với người nhà, BSCKI. Hoàng Văn Thành, Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp đã gắp ra một mảnh xương gà hình tam giác, có ba đầu nhọn kích thước mỗi cạnh khoảng 5 x 4 x 3 cm. Kiểm tra dọc thực quản xuống dạ dày không phát hiện thêm dị vật.

Mảnh xương gà có kích thước 5x4x3cm

Sau khi gắp dị vật ra, bệnh nhân D.. đã thấy thoải mái hơn, còn đau nhẹ vùng cổ.

BSCKI. Hoàng Văn Thành cho biết, hiện tượng hóc xương khá phổ biến và thủ thuật  soi gắp dị vật được tiến hành thường xuyên, tuy nhiên đây là lần đầu tiên, bệnh viện soi và gắp một dị vật lớn như thế này trong lòng thực quản bệnh nhân. Đối với những dị vật này, nếu không được gắp sớm, dị vật có thể đâm thủng thực quản, gây chảy máu, dẫn đến viêm, áp xe... có trường hợp gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thông thường, khi bị hóc dị vật như các loại xương, que tăm... thì người dân thường cố gắng khạc, dùng tay móc lấy xương hoặc ăn miếng cơm lớn để nuốt xuống dạ dày… Nhưng thực tế, những việc làm này sẽ làm cho viêm mạc họng bị trầy xước, nhiễm trùng, viêm nhiễm đường họng. Khi nuốt thêm còn làm cho xương xuống sâu, hoặc cắm sâu vào tổ chức hơn khiến cho việc lấy xương gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Thành  khuyến cáo thêm, người dân không nên vừa ăn vừa đùa giỡn, khi ăn nên nhai kỹ, ngồi ăn và không nên vừa nằm vừa ăn để tránh bị dị vật đường ăn, đường thở. Trong trường hợp nghi bị hóc xương, nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí đúng cách, tránh xẩy ra các biến chứng không đáng có.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 132

  • Tổng lượt truy cập: 23732924

  • Hôm nay: 16146