Bệnh mạch vành - Căn bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh về tim mạch
Ngày đăng: 27/09/2018 - Lượt xem: 2858

Bệnh động mạch vành (còn gọi là thiếu máu cơ tim) là căn nguyên gây tử vong số một trong các bệnh lý tim mạch hiện nay. Căn bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh, gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Tại khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong số các bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, bệnh nhân bị động mạch vành chiếm tỷ lệ 35% và ngày càng gia tăng.

Theo Tiến sỹ Lê Văn Dũng, Trưởng khoa Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: trái tim chúng ta giống như một cái bơm, có chức năng bơm máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Để đảm bảo được chức năng bơm máu một cách đều đặn khoảng 70 – 80 lần/phút, bản thân trái tim cũng phải được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch máu riêng gọi là hệ mạch vành, trong đó quan trọng nhất là động mạch vành. Bệnh mạch vành còn gọi là bệnh suy vành, thiểu năng vành, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ... là hậu quả của tình trạng xơ vữa động mạch do sự lắng đọng của các chất béo, Cholesterol, Calcium, chất thải tế bào... tạo nên những mảng cứng trong lòng động mạch làm cho lòng động mạch bị hẹp lại (hoặc tắc nghẽn) dẫn đến giảm lưu lượng máu đến nuôi tim, gây ra những cơn đau thắt ngực, nặng hơn là bị nhồi máu cơ tim cấp. 95% số người bị mắc bệnh mạch vành có liên quan đến một trong những yếu tố như: tăng huyết áp, rối loạn Lipid, đái tháo đường, béo phì hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch vành, tuổi cao… Bệnh tiến triển chậm chạp, âm thầm với triệu chứng tiềm ẩn có khi qua hàng chục năm, không hề biểu hiện triệu chứng gì cho đến khi gây nhồi máu cơ tim. Chính vì vậy nhiều bệnh nhân tại khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vốn đã mắc bệnh trong một thời gian dài nhưng đến khi phải nhập viện họ mới nhận ra mình đang mắc bệnh.

Tiến sỹ Lê Văn Dũng, Trưởng khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân

Bệnh nhân Dương Thanh Hà, 71 tuổi, trú tại thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên đang nằm điều trị tại khoa chia sẻ: Tôi từng hút thuốc lá, uống bia rượu mấy chục năm và bị tăng huyết áp 3 năm nay. Thỉnh thoảng tôi bị đau thượng vị kèm theo mệt mỏi, buồn nôn, cứ nghĩ là bị rối loạn tiêu hóa nên chủ quan không hay đi thăm khám định kỳ, chỉ đến khi thấy đau thắt ngực, đau có cảm giác bó chặt, đè ép ở vùng tim, gây ra choáng váng, gia đình mới đưa tôi vào đây chữa bệnh. Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, theo chẩn đoán của các bác sĩ, tôi bị mắc bệnh mạch vành kèm suy tim độ 4.

Tại khoa Tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm khoa điều trị cho gần 5000 bệnh nhân nội trú và 35.000 lượt bệnh nhân ngoại trú liên quan đến các bệnh lý về tim mạch. Trong số bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, bệnh nhân mắc bệnh mạch vành chiếm tỷ lệ 25- 35% và ngày càng một gia tăng, trẻ hóa. Đặc biệt, có những bệnh nhân bị bệnh mạch vành điều trị tại khoa chỉ mới 30 tuổi.

Nhằm hỗ trợ tối ưu cho việc chẩn đoán phát hiện sớm các bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành, thời gian qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư máy CT cắt lớp 128 lát cắt/vòng quay – một trong những thế hệ máy hiện đại nhất trên thế giới, chụp được động mạch vành bằng phương pháp không xâm lấn một cách chính xác như đóng vôi mạch vành, những mảng xơ vữa và bị vôi hóa, mức độ hẹp lòng mạch vành… Bệnh viện cũng đã triển khai thành công liệu pháp tiêu sợi huyết cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim do bệnh lý mạch vành gây ra. Hàng năm cứu sống và phục hồi thành công cho 15-20 ca nhồi máu cơ tim. Hiện tại bệnh viện chuẩn bị lắp đặt hệ thống máy DSA (chụp mạch mã hóa xóa nền) trị giá 40 tỷ đồng. Đây là thiết bị y tế hiện đại nhất hiện nay trong chẩn đoán bệnh tim mạch và các bệnh liên quan đến mạch máu; không chỉ giúp chẩn đoán hình ảnh mà còn có chức năng can thiệp điều trị các bệnh lý về mạch máu. Các bệnh lý có thể được chẩn đoán và điều trị nhờ DSA gồm: Chụp và can thiệp động mạch vành trong thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim, động mạch thận, động mạch chủ, động mạch chi, các động mạch ngoại biên khác và nhiều bệnh liên quan đến tim mạch và mạch máu.

Nhằm tích cực hưởng ứng ngày Tim mạch thế giới 2018 (29/9/2018), đồng thời để phòng chống các bệnh lý về tim mạch, Tiến sỹ Lê Văn Dũng nhấn mạnh:  Mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ y học trong điều trị bệnh mạch vành, nhưng việc thay đổi lối sống với các thói quen hàng ngày vẫn luôn là một phương pháp hết sức hữu hiệu trong phòng ngừa, ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh. Khi có các bệnh lý như bị tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…, cần theo dõi và điều trị triệt để vì đây là yếu tố làm xơ vỡ động mạch, hẹp động mạch vành... Những thay đổi hàng đầu mà bạn cần phải thực hiện trước hết là thay đổi chế độ ăn. Cần hạn chế uống rượu bia, thuốc lá; cần tập thể dục, vận động thường xuyên; nếu thừa cân, béo phì thì tìm cách giảm cân; có chế độ ăn hợp lý, giảm mỡ, các chất quá nhiều năng lượng; tránh căng thẳng có thể làm trái tim bị tổn thương. Ngoài ra, thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch thường gặp như: bệnh tắc nghẽn động mạch, phình động mạch chủ, hẹp động mạch vành…

Đoàn Loan

 



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 115

  • Tổng lượt truy cập: 23397766

  • Hôm nay: 3630