Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh bảo vệ thành công đề án PACS tại Bộ Y tế
Ngày đăng: 25/12/2017 - Lượt xem: 5417

Ngày 22/12/2017, Đoàn công tác của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh do Thầy thuốc nhân dân, Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Bí thư đảng bộ, Giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn đã bảo vệ thành công Đề án triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại Bộ Y tế.

PACS viết tắt của Picture Archiving and Communication Systems - Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, được ứng dụng trong y tế để lưu trữ hình ảnh một cách an toàn và kinh tế, đồng thời truyền dữ liệu giúp cho việc hội chẩn, chẩn đoán, điều trị, đào tạo và nghiên cứu từ xa.

Từ tháng 4/2017 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai ứng dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh PACS tại bệnh viện. Việc triển khai hệ thống này đã giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi cho bệnh nhân; nâng cao hiệu quả chẩn đoán; là công cụ chẩn đoán, hội chẩn từ xa; tiết kiệm chi phí in phim cho bệnh viện; tiết kiệm không gian lưu trữ phim, giúp quản lý và lưu trữ bằng trạm điện tử... Điều đặc biệt là việc triển khai ứng dụng PACS sẽ giúp công tác hội chẩn từ xa cùng các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành ở tuyến trung ương đối với các ca bệnh khó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chẩn đoán và điều trị người bệnh giúp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên, từ đó giảm chi phí điều trị, giảm quá tải bệnh viện. Đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều cuộc hội chẩn với Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện TW Huế.

Thầy thuốc nhân dân, Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Đồng, PGĐ Sở Y tế, Bí thư Đảng bộ, GĐ bệnh viện phát biểu ý kiến trước Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế.

Ngày 12/12/2017, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã về kiểm tra, đánh giá công tác triển khai đề án bệnh án điện tử và đề án PACS tại bệnh viện. Kết luận buổi làm việc, GS,TS Lê Quang Cường đã đánh giá cao sự phát triển của bệnh viện thời gian qua, đặc biệt là sự nhanh nhạy đi đầu trong việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, so với 2 năm trước đây khi Bộ Y tế về khảo sát triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện đã có bước phát triển vượt bậc. Điều này thể hiện rõ sự quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện trong việc đi tắt, đón đầu, ứng dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh. Việc triển khai bệnh án điện tử đã được bệnh viện thực hiện bài bản, hiệu quả. Đặc biệt việc triển khai PACS đã góp phần đưa bệnh viện thành một trong những đơn vị đi đầu trong khu vực và cả nước về ứng dụng CNTT trong nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh, góp phần giúp người dân Hà Tĩnh được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại quê nhà. Đồng chí mong muốn Ngành Y tế Hà Tĩnh xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành trung tâm hỗ trợ chẩn đoán từ xa của tỉnh và thông qua PACS, bệnh viện sẽ mở rộng liên kết và hợp tác với các bệnh viện tuyến trên, tăng chất lượng điều trị. Trong qua trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa.

Thạc sỹ, Bác sỹ Lê Ngọc Thanh, TP Kế hoạch tổng hợp báo cáo đề án trước Hội đồng thẩm định

Ngày 22/12/2017, trước Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế gồm có 9 thành viên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo đề án và giải trình một số chất vấn của các thành viên hội đồng. Sau đó hồi đồng đã triển khai bỏ phiếu kín với kết quả 100% thành viên trong hội đồng đồng ý Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đủ điều kiện tham gia vào đề án thí điểm không in phim theo quyết định số 4868/QĐ-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế.

Hiện tại trên toàn quốc mới có 6 bệnh viện thực hiện đề án không in phim của bộ, trong đợt bảo vệ lần này có thêm 3 bệnh viện đủ điều kiện tham gia đề án năm 2018 là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An) và Bệnh viện Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh).

Hoàng Song Hào

PACS có bốn ứng dụng chính

- Lưu trữ và thay thế cho giấy hoặc phim dùng trong y khoa, tiết kiệm rất nhiều do chi phí cho việc lưu trữ dữ liệu số trên máy tính hoặc đĩa CD/DVD rẻ hơn.

- Truyền dữ liệu và thực hiện việc chẩn đoán từ xa, đào tạo từ xa, mở rộng khả năng xem và báo cáo từ xa. Các bác sĩ đang làm việc tại nhiều vị trí địa lý khác nhau có thể cùng truy cập đồng thời vào cùng một tập tin hình ảnh. (Teleradiology - Telemedicine)

- Kết hợp với các hệ thống điện tử khác như HIS (Hospital Information System – Hệ thống thông tin bệnh viện), RIS (Radiology Information System – Hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh), EMR (Electronic Medical Record – Bệnh án điện tử), Hospital Management Software (Phần mềm quản lý bệnh viện).

- Quản lý quy trình và lịch trình khám của bệnh nhân ở khoa chẩn đoán hình ảnh. Thời gian, số lần chụp phim, xét nghiệm… được quản lý chặt chẽ.

 



Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 84

  • Tổng lượt truy cập: 26928379

  • Hôm nay: 11811