Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét
Ngày đăng: 23/01/2024 - Lượt xem: 173
Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu; bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà; khuyến cáo người dân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống rét...
Cơ sở khám chữa bệnh bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh; đảm bảo phòng chống rét cho người bệnh...
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại.
Cơ sở khám chữa bệnh trang bị đèn sưởi phòng chống rét tại buồng bệnh trong ngày lạnh.
Theo đó, để bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung, cụ thể:
Chỉ đạo các Sở ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến rét đậm, rét hại trên địa bàn và kịp thời thông tin để nguời dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh.
Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống rét hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe; cảnh báo để nguời dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do suởi ấm bằng than, củi trong không gian kín;
Chỉ đạo cơ sở y tế các cấp trên địa bàn đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyển thông và các cơ quan truyền thông, báo chí của địa phương phối hợp với Sở Y tế có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các hướng dẫn bảo vệ sức khỏe của người dân, người lao động, người bệnh, người nhà người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã xây dựng Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa lạnh.
Dự phòng lạnh cho người dân, đặc biệt là người già và trẻ em thế nào?
Theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường Y tế, vào mùa lạnh có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu...
Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người làm việc ở ngoài trời hoặc trong môi trường lạnh, gió rét, thiếu ánh nắng mặt trời: người lao động nông nghiệp, công nhân...; Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp...
Theo đó, đối với người già và trẻ em: Hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9h đêm đến 6h sáng; Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang...;
Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh;
Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia đặc biệt là người dân ở miền núi cần chú ý vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Tránh các đồ uống có chứa chất kích thích như cafein;
Không nên tắm khuya sau 22h00, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể;
Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; Súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng;
Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn; tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh cúm;
Ăn, uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Đối với người lao động nặng, người cao tuổi, trẻ em cần cung cấp lượng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin nhiều hơn so với những mùa khác nhằm tăng cường nhiệt lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh;
Đối với những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, mắc các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ...
Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; Những người mắc các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, hen suyễn, tim mạch, cơ xương khớp... là những đối tượng nguy cơ cao về sức khỏe khi rét đậm, rét hại...
Đối với những người phải làm việc trong thời tiết lạnh: Nếu phải làm việc ngoài trời cần giữ ấm cơ thể và làm việc với cường độ chậm; Cần phải giữ người, tay chân khô ráo, tránh ẩm ướt đặc biệt công nhân làm việc ngoài trời, trong hầm lò… Đeo khẩu trang trong khi làm việc để bảo vệ đường hô hấp;
Những ngày mưa rét, làm việc ngoài trời, phải trang bị và sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động áo chống nước, áo mưa, mũ, găng tay đệm bông và lớp ngoài chống nước; giày ủng ấm và chống nước... vì quần áo, đầu tóc ướt sẽ làm mất nhiệt nhanh chóng khiến cơ thể bị nhiễm lạnh;
Khi ra ngoài trời lạnh, nhất thiết phải mặc ấm đặc biệt cần giữ ấm cổ và ngực. Trong lúc lao động, nếu thấy người nóng lên thì nên cởi bớt áo dần dần;
Cục Quản lý môi trường lưu ý: Để có đủ nhiệt lượng lao động và chống rét, người lao động cần ăn uống đầy đủ chất đặc biệt là chất béo, gluxit và nên ăn uống nóng.
Chú ý các biểu hiện của cơ thể khi trời lạnh
Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn cần chú ý các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... Khi xuất hiện các triệu chứng cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe;
Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp;
Chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh; Biểu hiện giảm thân nhiệt: run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ và buồn ngủ... Ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay;
Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống