Ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, cả nước đã có 77.000 người mắc; 30 trường hợp tử vong
Ngày đăng: 27/06/2022 - Lượt xem: 1099

Số ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 77.000 người mắc, 30 trường hợp tử vong. Bộ Y tế nhắc các địa phương phải vừa chống dịch COVID-19, vừa nỗ lực phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, tránh để dịch chồng dịch.

Theo báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó. Đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Bộ Y tế, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng phải lọc máu ở khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM

Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển; bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về chuyên môn cũng như đề nghị các địa phương phải nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời mới đây Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo phòng công tác phòng sốt xuất huyết tại các tỉnh/thành phố trọng điểm trong tháng 6 - tháng 7 năm 2022.

Tại buổi tập huấn toàn quốc về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức giữa tuần qua, các chuyên gia nhấn mạnh: Dịch sốt xuất huyết bùng phát trong bối cảnh COVID-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, khó khăn trong công tác điều trị.

Các chuyên gia cũng cho hay, năm nay số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Chia sẻ tại hội nghị tập huấn, BSCK II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), nhấn mạnh, việc chẩn đoán và phân loại sốt xuất huyết ban đầu rất quan trọng.

Từ thực tế điều trị, chuyên gia nhấn mạnh cán bộ y tế cần chẩn đoán phân biệt COVID-19 cấp tính, sốt phát ban, viêm não, sốc nhiễm khuẩn… phải luôn nghĩ tới bệnh nhân mắc sốt xuất huyết khi bệnh nhân có triệu chứng sốt, để không bỏ qua thời gian điều trị sớm.

"Sốt xuất huyết có biểu hiện như chấm xuất huyết dưới da, nôn ra máu, tiểu ra máu… Chỉ định nhập viện với trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh <100k/microL, trẻ thừa cân béo phì, phụ nữ có thai, bệnh lý nền,…"- BSCK II Nguyễn Minh Tiến nói.

Đối với trường hợp điều trị ngoại trú, đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày,  lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Bên cạnh đó, người bệnh uống nhiều nước, thức ăn lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết). Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, dặn dò tái khám khi trẻ có triệu chứng.

Theo Bộ Y tế, khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu đã uống thuốc này, người bệnh cần tới bác sĩ để thăm khám. Người bệnh không cần thiết uống kháng sinh.

Theo Báo Sức Khỏe và Đời Sống

 

 



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 99

  • Tổng lượt truy cập: 23556865

  • Hôm nay: 12186