Chăm sóc bụng cho phụ nữ sau sinh
Ngày đăng: 16/08/2019 - Lượt xem: 17061
Chăm sóc vùng bụng sau sinh được sự quan tâm lớn của chị em phụ nữ. Quá trình mang thai làm cơ thể thay đổi, nhất là làm vòng hai trở nên lớn hơn, chảy xệ, kém săn chắc, bị rạn da.
Chườm bụng hay nịt bụng là cách mà chị em biết nhiều nhất để làm vùng bụng trở lại như ban đầu. Nhưng cần hiểu rõ cơ chế làm vòng bụng thay đổi sau sinh, từ đó biết được những cách thức nào là phù hợp và an toàn cho bản thân để chăm sóc cho vòng 2.
Nguyên nhân làm vòng bụng chảy xệ sau sinh
Chị em cứ thấy bụng to là nghĩ là bụng mỡ, nhưng thực chất đó là vấn đề xổ bụng sau sinh do hiện tượng tách cơ bụng. Có những phụ nữ chỉ cần sau sinh 2 - 3 tháng là bụng lại săn chắc như ban đầu nhưng một số chị em cố làm nhiều cách mà bụng vẫn to và chảy xệ. Như vậy nguyên nhân chính ở đây không phải là sự tích mỡ mà là do cơ bụng bị tách ra hai bên.
Bình thường cơ bụng trái và phải được giữ với nhau bằng các mô và chịu trách nhiệm giữ nội tạng ở phần bụng nằm yên ở vị trí của nó.Khi có bầu lớn hoặc bị béo phì mô này bị kéo quá căng dẫn đến hai phần cơ trái và phải tách xa nhau gây ra hiện tượng “xổ bụng”.Khi không có các cơ này giữ bụng, lưng cũng bị ảnh hưởng và gây ra hiện tượng đau lưng sau sinh.Tình trạng này có thể khắc phục bằng việc tập luyện các cơ vùng bụng.
Chườm ấm và nịt bụng cũng có thể giúp được phần nào.Hiểu được cốt lõi của vấn đề, chúng ta sẽ có phương án giảm vòng bụng đúng cách và quan trọng nhất là phải lành mạnh. Nếu bị bệnh này mà cứ lâm vào việc nhịn ăn cực đoan, uống thuốc giảm cân, ăn những thực phẩm giảm cân theo quảng cáo chắc chắn không có tác dụng mà dễ lại tiền mất tật mang.
Chườm bụng sau sinh nhiều tác dụng tốt
Tác dụng của chườm ấm: Theo Y học cổ truyền, làm ấm bằng túi chườm thảo dược là một cách làm cho khí huyết khu vực trung hạ tiêu (vùng bụng, bụng dưới) được lưu thông, là một cách để thúc đẩy sự khí hóa, chống lại sự sinh bệnh do khí hóa bế tắc, phòng và chữa các rối loạn của trung hạ tiêu.
Làm ấm vùng bụng có tác dụng trên tuần hoàn là giãn mạch, tăng lưu thông máu; làm tăng chuyển hóa; đối với mô liên kết: giảm co cứng, tăng khả năng đàn hồi; giảm đau...
Đối với từng vùng, chườm ấm có tác dụng như sau:
- Chườm ấm vùng trung tiêu (vùng bụng): Kích thích tiêu hóa, hấp thu tốt thức ăn, cải thiện sự khó chịu của đầy hơi, chậm tiêu… săn chắc da bụng, là vấn đề mà phụ nữ sau sinh thường gặp.
- Chườm ấm vùng hạ tiêu (vùng bụng dưới): Cải thiện triệu chứng tiêu chảy, táo bón, làm thông đại tiểu tiện, săn chắc vùng bụng dưới chống sa các tạng trong bụng nhất là vùng bụng dưới.
Phương pháp chườm ấm được mô tả trong các tác phẩm Đông y kinh điển, như: Nội Kinh Tố Vấn - Điều kinh luậncó chép: “Bệnh trong xương thì hơ nóng kim châm hoặc dùng thuốc sao nóng chườm vào”; Linh Khu - Thọ yểu cương nhu cũng có chép bài thuốc sao nóng để chườm trên da chữa chứng hàn tý. Các tác phẩm y học nổi tiếng như: Trửu hậu phương, Thiên kim phương, Ngoại đài bí yếu, Gia hựu bản thảo, Bản thảo cương mục, Vệ sinh bửu giám... đều có chép về phương pháp chườm ấm bằng thảo dược.
Làm ấm bằng túi chườm thảo dược là một cách làm cho khí huyết khu vực trung hạ tiêu được lưu thông
Như vậy, có thể nói chườm ấm bằng thảo dược là phương pháp chữa bệnh có lịch sử lâu đời, có giá trị phòng bệnh tốt và phạm vi ứng dụng cải thiện và điều trị rộng rãi. Phương pháp này đơn giản dễ làm, có tính an toàn cao mà hiệu quả lại nhanh chóng, mang lại cảm giác dễ chịu, săn chắc vùng cơ chườm rất được nhiều người yêu thích.
Thời điểm chườm: Sau sinh, tử cung sẽ co lại để cầm máu. Ban đầu tử cung co lại ngang rốn, sau đó mỗi ngày co lại 1cm, hai tuần sau sinh tử cung nhỏ xuống dưới xương vệ. Sáu tuần sau các cơ quan sinh dục trở về bình thường.
Để một bà mẹ lấy lại vóc dáng cũng như vòng hai trước khi sinh phụ thuộc nhiều yếu tố như cơ địa, chế độ ăn uống, luyện tập... Cho con bú để lấy lại dáng xưa.
Để tăng nhanh hiệu quả săn chắc vùng bụng sau sinh, chú ý chất liệu chườm: muối hột rang đơn thuần hoặc trộn với quế, gừng, sả, ngải cứu… hoặc túi chườm thảo dược có bán sẵn…
Cái có tác dụng chính ở đây là nhiệt nóng, các thảo dược khác nếu được thêm vào sẽ thơm hơn, tạo tâm lý thoải mái.Các chất liệu chườm cần sạch, nguồn gốc rõ ràng, không gây dị ứng. Khi chườm cần tránh vết mổ bắt con, chườm xung quanh bụng, độ nóng vừa phải, cẩn thận bị bỏng. Lớp chất liệu tiếp xúc với da là khăn bông hay chất liệu vải phải sạch, thoáng, hút mồ hôi.
Nịt bụng sau sinh
Nịt bụng sau sinh
Phần bụng cảm thấy lỏng lẻo chỉ nên băng vừa phải, không quá chật, sao cho vẫn hít thở được bình thường. Băng gọn bụng lại một chút giúp quá trình di chuyển cảm thấy an toàn và dễ dàng hơn. Nếu không khó chịu vì bụng sổ nhiều không nên nịt bụng.Quan trọng là tập thể thao nhẹ nhàng vừa sức, các động tác tác động vào vùng bụng mới làm cơ bụng co hồi tốt được.
Chú ý khi nịt bụng không nên quá chặt vì gây tức bụng và khó thở, băng vừa phải cảm giác dễ chịu thoải mái.Đai nịt bụng sẽ giúp các cơ và da ở đúng vị trí, qua đó thúc đẩy nhanh việc hồi phục.Sau sinh nếu nịt bụng nhẹ cũng giúp đỡ đau khi cười, ho, đứng dậy, giữ ổn định vết mổ.Mặc quần áo cũng đẹp hơn.Không băng ép lâu và quá chặt.
Cho con bú mẹ cũng là cách làm vòng hai mau thon gọn
Cần chú ý một số vấn đề cần chú ý phụ nữ sau sinh
- Cần thời gian để cơ thể hồi phục, mất nhiều tháng trời, chườm nóng hay nịt bụng chỉ là cách hỗ trợ cơ thể nhanh hồi phục hơn. Lấy lại vóc dáng ban đầu là cả một quá trình, không nên nôn nóng với bất cứ phương pháp nào nhanh chóng làm giảm cân hay thon gọn cơ thể.
- Cho con bú mẹ cũng là cách làm vòng hai mau thon gọn, tốt cho cả bé lẫn mẹ.
- Chườm bụng hay nịt bụng phải chú ý vệ sinh, giữ da vùng bụng được khô thoáng, để tránh kích ứng da, ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Ngừng sử dụng nếu thấy khó chịu.
- Không nên làm việc hoặc tập luyện quá sức. Tập các động tác bụng và sàn chậu, tập từ nhẹ đến nặng.
- Không nên nhịn ăn cực đoan, không ăn uống thực phẩm chức năng theo quảng cáo để giảm cân, đẹp dáng vì sẽ không đạt được mục tiêu mà còn có khả năng gây nhiễm độc cơ thể cho mẹ và bé. Cần có chế độ ăn uống đầy đủ các chất, cân bằng dinh dưỡng cho mẹ và bé.
- Cần ý kiến của bác sĩ có chuyên môn trước khi sử dụng các phương pháp chườm hoặc nịt bụng. Mỗi người có điều kiện sức khỏe khác nhau, cần có tư vấn cụ thể.
Theo Báo Sức khỏe đời sống