Chế độ dinh dưỡng giúp đẩy lùi bệnh gút hiệu quả
Ngày đăng: 17/12/2019 - Lượt xem: 793

Lối sống không khoa học, ít vận động là nguyên nhân khiến bệnh gút ngày càng phổ biến. Bệnh không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Vậy làm thế nào để kiểm soát bệnh gút hiệu quả?

Nguyên nhân gây bệnh gút

Có nhiều yếu tố gây bệnh gút, nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn tới bệnh này là do rối loạn chuyển hóa nồng độ axit uric trong máu.

Bình thường, nồng độ axit uric là 420 micromol/lít ở nam và 360 micromol/lít với nữ. Nếu như nồng độ vượt quá ngưỡng này thì sẽ được gọi là tăng axit uric máu. Mỗi ngày, lượng axit uric dư thừa sẽ được thận bài tiết đào thải ra bên ngoài cơ thể khoảng 80% qua đường nước tiểu, 20% qua đường tiêu hóa và mồ hôi. Nhưng vì một số lý do như: Quá trình chuyển hóa, đào thải bị rối loạn; Nguồn axit uric cung cấp vào cơ thể quá lớn (thường xuyên uống bia rượu, dùng thức ăn giàu đạm); Hoặc do chức năng thận suy giảm khiến axit uric dư thừa không được đào thải ra ngoài và gây tăng axit uric máu.

Khi axit uric trong máu tăng cao trong thời gian dài, chúng lắng đọng, tích tụ nhiều ở các khớp, mô quanh khớp và dần dần gây viêm khớp, biểu hiện là các cơn sưng nóng, đỏ, đau đớn vô cùng.

  • Gút là một bệnh lý về xương khớp phổ biến

Dấu hiệu bệnh gút dễ nhận thấy nhất là hiện tượng sưng, nóng, đỏ và đau ở các khớp. Cơn đau thường đến đột ngột, dữ dội, khiến người bệnh có cảm giác như bị ngàn mũi kim châm cùng một lúc. Cơn đau có thể bùng phát sau khi bạn ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất đạm, uống nhiều bia, rượu,…

Gút nếu không xử lý kịp thời có thể gây ra những biến chứng nặng nề như: Tăng huyết áp, đột quỵ não, suy thận, tàn phế… Do đó, bạn cần chú ý đến sự thay đổi trên cơ thể, không nên bỏ qua các triệu chứng cảnh báo, tránh dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe về sau.

Chế độ ăn uống đẩy lùi bệnh gút

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh gút. Do đó, bạn cần xây dựng một thực đơn khoa học để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.

Người bị bệnh gút nên ăn gì?

Khi mắc gút, người bệnh nên sử dụng các loại thực phẩm chứa ít purin, giúp giảm nồng độ axit uric, tăng cường đào thải axit uric ra ngoài, bao gồm:

– Thực phẩm giàu chất xơ như: Cần tây, súp lơ, cà rốt, cải bắp, cải bẹ xanh, khoai tây… Không chỉ là nguồn cung cấp vitamin, dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, mà còn rất hữu ích với người bị bệnh gút vì chúng có khả năng đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.

– Quả cherry: Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Arthritis & Rheumatism (Mỹ) đã chỉ ra rằng, việc thường xuyên ăn quả cherry có thể giúp giảm đến 60% lượng axit uric trong máu. Nghiên cứu cũng khuyên người bệnh gút nên ăn 15g quả cherry mỗi ngày (tương đương với 10 - 15 quả).

Ăn cherry thường xuyên tốt cho người bị gút 

– Sữa ít béo: Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, uống 1 - 5 ly sữa ít béo mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút lên tới 43%. Nguyên nhân là do sữa và các chế phẩm từ sữa ít béo có khả năng hỗ trợ đào thải axit uric hiệu quả.

– Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp tăng cường đào thải axit uric ra ngoài cơ thể. Người bệnh có thể dùng thêm một số loại nước ép rau, củ, quả để bổ sung các dưỡng chất và hạ nồng độ axit uric trong máu.

– Sử dụng các loại thịt trắng như thịt gà, thịt vịt… thay vì các loại thịt đỏ để giảm lượng đạm nạp vào cơ thể.

Người bị bệnh gút không nên ăn gì?

Gút vẫn thường được gọi là căn bệnh “từ miệng mà ra”, bệnh do rối loạn chức năng chuyển hóa chất đạm nên người mắc cần kiêng những loại thực phẩm giàu chất đạm, có gốc purin. Để kiểm soát bệnh gút hiệu quả, bạn cần tránh xa một số thực phẩm sau đây:

– Nội tạng động vật như: Lòng, phổi, tim, gan, lá lách, thận… Nội tạng động vật chứa nhiều nucleoprotein – một hợp chất mà khi vào cơ thể sẽ sản sinh, ra purin, do đó làm tăng nồng độ axit uric trong máu.

– Các loại hải sản: Nếu đang bị cơn gút cấp hành hạ, ngay lập tức, bạn cần loại bỏ hải sản (tôm, cua, ghẹ, cá biển…) ra khỏi thực đơn hằng ngày của mình vì chúng chứa hàm lượng purin cao, khi vào cơ thể sẽ phân hủy thành axit uric.

Người bị gút nên hạn chế hải sản và các món chứa nhiều đạm

– Rượu, bia, đồ uống có cồn, nước ngọt có gas, nước chứa vị chua như nước cam, nước chanh… cũng được xem là “khắc tinh” của người bị bệnh gút.

– Trứng vịt lột, cút lộn, các loại đồ ăn lên men (nem chua, dưa hành muối, cà muối…) cũng là những thực phẩm mà người bệnh gút cần tránh xa.

- Các loại thịt có màu đỏ: Các loại thịt trâu, thịt bò, thịt dê… cũng là những thực phẩm giàu protein mà người bị bệnh gút nên hạn chế.

- Măng, nấm, giá đỗ cũng là những thực phẩm làm tăng lượng axit uric trong cơ thể một cách nhanh chóng.

Theo Báo Sức khỏe và đời sống



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 137

  • Tổng lượt truy cập: 23732683

  • Hôm nay: 15905