Cứu sống bệnh nhi 28 tháng tuổi bị rơi dây chuyền bạc vào đường thở
Ngày đăng: 01/08/2019 - Lượt xem: 6403

Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa gắp thành công một dây chuyền bạc dài 14cm trong khí phế quản của bệnh nhi 28 tháng tuổi.

Bệnh nhi Nguyễn Đức Thiện H.., 28 tháng tuổi, địa chỉ xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên nhập viện trong tình trạng tức ngực, khó thở, ho sặc sụa.

Theo lời kể của người nhà, cháu H… đang chơi, bỗng nhiên thấy ho khan, nghẹn, khó thở, người nhà phát hiện bị mất vòng bạc ở tay nên nghi ngờ cháu đã nuốt, gia đình liền đưa cháu ra nhập viện.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, sau khi thăm khám và chụp phim XQ, các bác sỹ phát hiện hình ảnh cản quang bất thường tương ứng khí quản và một phần phế quản gốc bên phải.

Hình ảnh dị vật trên phim XQ

Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển thẳng lên khoa Gây mê hồi sức, tại đây Kíp thủ thuật gồm Bác sĩ Lê Thị Hà TK Tai Mũi Họng và Bác sĩ Trần Xuân Sơn, PTK Tai Mũi Họng đã nhanh chóng triển khai nội soi khí quản phát hiện dị vật nằm ở khí quản và phế quản gốc bên phải. Các bác sĩ đã tiến hành gắp ra được 01 sợi dây chuyền bạc có kích thước dài 14cm.

Dị vật là sợi dây chuyền bạc dài 14 cm được lấy ra từ khí - phế quản bệnh nhi

Sau khi gắp dị vật, bệnh nhân đỡ khó thở, nghe phổi hết tiếng rít, da môi hồng.

Hiện tại, bệnh nhi chơi ngoan, hết khó thở, nói chuyện bình thường và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Sau khi lấy dị vật trẻ hết khó thở, chơi ngoan, nói chuyện bình thường

BSCKI. Trần Xuân Sơn, Phó Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh khuyến cáo: Trẻ em lứa tuổi từ 1 đến 3 tuổi dễ bị mắc dị vật đường thở nhất. Mọi người khi thấy trẻ đang ăn, chơi đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái. Sau đó thở khó, ngưng thở do tắc nghẽn đường thở cấp hoặc trẻ thở rít kèm theo ho rũ rượi, cơn ho dồn dập, mặt đỏ gay. Cơn ho này kéo dài sau đó dịu đi, chỉ còn những tiếng ho rải rác. Khi thấy trẻ có dấu hiệu trên phải nghĩ ngay đến trẻ bị hóc dị vật và đưa bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Trong năm vừa qua, tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận  nhiều ca suy hô hấp do dị vật đường thở ở trẻ em và có những ca rất nặng do người nhà đưa vào viện muộn. Do vậy các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận biết các trường hợp hóc dị vật một cách sớm nhất, để không bao giờ để trường hợp đáng tiếc xẩy ra.

Dị vật đường thở, đường ăn là 1 tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em có nguy cơ bỏ quên dị vật, khó chẩn đoán, dễ dẫn đến các biến chứng nặng, nguy hiểm tính mạng.

Hoàng Song Hào

Để phòng tránh trẻ em bị dị vật đường thở, chúng ta cần chú ý những vấn đề sau:

Không cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ mà trẻ có thể ngậm và nuốt được

Không cho trẻ chơi một đồ chơi dành cho lứa tuổi lớn hơn.

Không để đồng xu, các mảnh vụn đồ chơi, vật tròn, nhỏ trong nhà

Tháo pin ra khỏi đồ chơi, đặc biệt pin điện tử loại nhỏ.

Tách hạt ra khỏi quả khi cho bé ăn...

Không nên ép bé ăn trong lúc khóc, lúc cười

Không bóp mũi khi cho trẻ ăn hoặc uống thuốc vì đây chính là cách biến thức ăn thành dị vật.

Cắt những thức ăn cứng hoặc thức ăn có dạng tròn thành những miếng mỏng hoặc mẩu nhỏ sao cho chúng không thể kẹt trong khí quản của bé.

Khi nấu cháo cá, nên chọn loại cá to, ít xương, tốt nhất là chọn phần phi lê.

 



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 122

  • Tổng lượt truy cập: 23732777

  • Hôm nay: 15999