Đồng hành tháo gỡ khó khăn để ngành y tế thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Ngày đăng: 23/08/2022 - Lượt xem: 434
Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng những đóng góp, hy sinh của đội ngũ y bác sỹ trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, đồng thời khẳng định, Chính phủ sẽ quyết tâm cùng đồng hành, tháo gỡ những khó khăn để ngành y tế thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì tại điểm cầu trung ương. Ảnh Báo SK&ĐS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Sáng nay (21/8), Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương tham dự hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Quyền Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng tham dự.
Công tác y tế đạt nhiều thành tựu quan trọng
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi một số kết quả đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Ảnh Nhật Bắc/VGP.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác y tế trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020); số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 10 bác sỹ (chỉ tiêu giao là 9,4/10.000); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu giao là 29,5/10.000).
Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,6 năm 2021, cao hơn trung bình thế giới. Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 70 trên 100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á và của toàn cầu.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Hiện nay, vắc-xin tiêm chủng sản xuất trong nước bảo đảm 11/12 loại, góp phần bảo đảm an ninh vắc-xin quốc gia. Việt Nam là quốc gia có số liều vắc-xin phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vắc-xin cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Ý, Pháp...
Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu, làm chủ các công nghệ phẫu thuật nội soi và can thiệp tim mạch, châm cứu với chi phí giảm từ 1/2- 1/3. Một số kỹ thuật cao của Việt Nam đã được quốc tế cử chuyên gia đến học hỏi và mời báo cáo, trình diễn kỹ thuật tại các hội nghị chuyên ngành lớn tại các nước.
Hội nghị trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.
Hà Tĩnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh
Đối với Hà Tĩnh, trong 8 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh dần ổn định; công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021; số bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện tăng hơn 10,2% so cùng kỳ. Công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện tuyến tỉnh là 127,8%, tăng 5,0%, tuyến huyện là 117 %, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến nay, Hà Tĩnh có tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 1 đạt 100,46%, tiêm mũi 2 đạt 98,75%, tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 79,23%. Người đã tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đạt 140,72% so với người trong độ tuổi ưu tiên. Người từ 12 đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 104,13%, tiêm mũi 2 đạt 99,76%, tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 27,15%. Đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 54,42%, mũi 2 đạt 31,81%.
Hà Tĩnh đang tập trung quyết liệt cho công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đang tồn tại, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân như: Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc; chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở một số địa phương không đạt tiến độ; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục gia tăng…
Trước những khó khăn, bất cập đang tồn tại, nhiều địa phương đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế nhiều giải pháp, nhất là: Sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản.
Toàn cảnh điểm cầu tại Hà Tĩnh.
Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế; chức danh bác sỹ, bác sỹ y học dự phòng, dược sỹ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh; xây dựng, đề xuất phương án cụ thể của lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng bảo hiểm y tế và khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế; chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới khẩn trương phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh rà soát, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn và tồn đọng trong thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách đãi ngộ cán bộ, nhân viên y tế
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trân trọng ghi nhận, biết ơn những đóng góp, hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sỹ trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong suốt thời gian qua đã góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ quyết tâm đồng hành với ngành để tháo gỡ, qua đó tạo điều kiện để ngành thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngành y tế cần tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng thực chất, hiệu quả và bền vững; nêu cao tinh thần y đức, làm giàu y lý, y thuật, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, sinh mệnh của Nhân dân. Triển khai các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh.
Ngành y tế cùng các địa phương tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, bám sát tình hình dịch bệnh COVID-19 để chủ động phòng, chống hiệu quả với từng diễn biến dịch, không để dịch bùng phát trở lại; đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 một cách an toàn, khoa học, hiệu quả; tập trung cho công tác quy hoạch mạng lưới y tế và giải ngân đầu tư công để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế tập trung xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế trong sạch, vững mạnh; tập trung kiện toàn bộ máy của bộ và các cấp; khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách về y tế cả trước mắt và lâu dài; tăng cường công tác phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực gắn với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát. Nghiên cứu, giao một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế cho các địa phương quản lý; sớm nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên ngành y tế, hạn chế việc nghỉ việc; sớm hoàn hoàn thiện phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; rà soát các quy định về phát triển y tế công tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế...
Các bộ, ngành và địa phương cần chung tay cùng với Bộ Y tế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Theo Báo Hà Tĩnh