Gắp thành công đồng xu trong thực quản bé gái 9 tuổi
Ngày đăng: 26/07/2017 - Lượt xem: 5048
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, vừa soi gắp thành công một đồng xu trong thực quản cho bệnh nhi 9 tuổi.
Sáng ngày 25/6, khoa Tai Mũi Họng, tiếp nhận cháu Nguyễn Thị Quỳnh Nga, địa chỉ: Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh trong tình trạng khó nuốt, nuốt nghẹn và nuốt đau. Theo mẹ cháu bé kể lại, cháu Nga có một đồng tiền xu nước ngoài đường kính hơn 2cm, ngày hôm qua, cháu vừa ngậm trong miệng, vừa trêu đùa với bạn bè thì không may nuốt phải. Gia đình liền đưa cháu đến Bệnh viện Thị xã Kỳ Anh, do không có dụng cụ soi gắp chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị tiếp.
.jpg)
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm và cho chụp XQ vùng cổ, các bác sĩ phát hiện một dị vật cản quang mạnh, hình đồng xu nằm ở vùng cổ bệnh nhân.
.jpg)
Khoa Tai Mũi Họng đã chuyển cháu lên khoa Gây mê hồi sức để tiến hành soi gắp dị vật. Tại đây Bác sỹ Lê Bá Sang, Khoa Tai Mũi Họng đã gắp ra một đồng xu có đường kính 23mm.
.jpg)
Hiện tại sau một ngày tiến hành soi gắp cháu Nga đã hết đau vùng cổ và ăn uống bình thường. Dự kiến cháu sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.
Dị vật thực quản là gì
Dị vật thực quản là dị vật bị mắc trên đường đi của thực quản gây cản trở lưu thông và dễ gây nên các biến chứng nhiễm trùng trầm trọng. Đây là một cấp cứu rất thường gặp trong chuyên khoa Tai Mũi Họng. Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ lớn. Nếu phát hiện sớm xử trí kịp thời, ít gặp nguy hiểm nhưng nếu phát hiện muộn xử trí rất phức tạp, có thể nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân.
Vì sao bị dị vật thực quản
Do tập quán ăn uống của nước ta là chặt các loại xương lẫn thịt thành mảnh; phong cách ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói chuyện, trẻ em thường hay ngậm đồ chơi trong miệng rồi vô tình nuốt.... Trên lâm sàng thường gặp dị vật mắc ở đoạn thực quản cổ (chiếm 80%), 20% ở thực quản ngực và cơ hoành và tâm vị.
Khi bị dị vật thực quản thì có biểu hiện như thế nào
Khi có dị vật thực quản, thường có hai giai đoạn, ở giai đoạn đầu bệnh nhân thấy nuốt đau, không ăn được gì phải bỏ dở bữa ăn. Một số trường hợp sai lầm khi hóc dị vật lại có động tác như: cố khạc, thò tay vào móc họng, cố gắng ăn miếng to hơn hy vọng tống dị vật xuống. Rồi sau đó không nuốt cũng đau. Đau ngày càng tăng. Nếu dị vật ở thực quản sẽ đau ở sau xương ức, đau xiên ra sau lưng, lan lên bả vai...
Giai đoạn viêm nhiễm: Dị vật cắm vào thành thực quản làm xây xát niêm mạc thực quản hoặc thủng thành thực quản, nếu dị vật là xương lẫn thịt thì nhiễm khuẩn càng mạnh. Sau 1-2 ngày các triệu chứng nuốt đau, đau cổ, đau ngực tăng dần, đến nỗi bệnh nhân không nuốt được, kể cả nước. Thường là niêm mạc thực quản, xung quanh thực quản bị viêm thì triệu chứng nặng dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Khi nghi ngờ bị dị vật thực quản nên làm gì
Khi có các biểu hiện trên, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được soi thực quản lấy dị vật trong thời gian sớm nhất.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa dị vật thực quản, mọi người không nên ăn uống vội vàng. Không ngậm các đồ vật trong miệng. Không nói chuyện và cười đùa trong khi ăn. Không nên vừa uống rượu vừa nhắm đồ ăn có lẫn xương. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn. Khi bị hóc không nên chữa mẹo. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện dị vật, cần đến ngay chuyên khoa tai mũi họng để được soi gắp kịp thời, tránh các biến chứng xẩy ra.
Hoàng Song Hào