Hà Tĩnh: Nắng nóng khiến người già, trẻ nhỏ vào viện tăng cao
Ngày đăng: 07/05/2023 - Lượt xem: 441
Trưởng khoa Khám bệnh BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nắng nóng gia tăng khiến số lượng bệnh nhân là trẻ em và người cao tuổi vào thăm khám, điều trị tăng khoảng 15% - 20%.
Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng - Trưởng khoa Khám bệnh (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh) thăm khám cho một bệnh nhân.
PV: Thưa bác sỹ, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ sẽ kéo theo những nguy cơ gì đối với sức khỏe con người ?
Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng: Hiện nay, Hà Tĩnh đang bước vào mùa nắng nóng với nhiệt độ tăng cao. Với điều kiện thời tiết như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, siêu vi... bùng phát, gây ra nhiều loại bệnh cho người dân, nhất là ở nhóm người cao tuổi và trẻ em.
Đầu tiên là dễ mắc bệnh tiêu chảy, ngộ độc thức ăn. Nguyên nhân một phần là do thời tiết nắng nóng, thức ăn dễ bị thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Mặt khác vào thời tiết này, trẻ em và cả người lớn thường hay khát nước nên dễ uống phải những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh.
Thứ hai là trẻ em bị nhiễm siêu vi dẫn đến việc trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn.... Một bệnh lý khác là viêm não Nhật Bản. Vào mùa hè, thời tiết nóng tỷ lệ mắc bệnh thường tăng cao hơn mùa mưa. Bệnh lý này khá nguy hiểm nếu để diễn tiến nặng mà không được phát hiện kịp thời có thể gây ra tử vong.
Thời tiết vào hè cũng khiến cho số trẻ em bị mắc viêm màng não gia tăng. Đây là một dạng nhiễm trùng ở các lớp mô quanh não bộ và tủy sống và thường do vi khuẩn HI, phế cầu, mô cầu hoặc do virus, kí sinh, nấm gây ra. Thực tế có rất nhiều trường hợp trẻ bị biến chứng nặng, điển hình là biến chứng thần kinh co giật nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra, trong thời tiết như hiện nay, trẻ em cũng dễ bị mắc phải các bệnh về tay chân miệng, thuỷ đậu…
Số lượng người dân đến thăm khám tại BVĐK tỉnh gia tăng những ngày gần đây.
Còn đối với người lớn tuổi, vào thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng đột ngột gây ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa cơ thể và môi trường khiến cho cơ thể dễ bị sốc nhiệt. Nắng nóng còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như: viêm phế quản, viêm phổi, hen… do sử dụng quạt và máy lạnh liên tục, trong khi sức đề kháng lại yếu.
Ngoài ra, nắng nóng cũng gây ra trở ngại lớn với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp... Bởi mùa hè người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch như: tim đập nhanh hơn, huyết áp có thể bị tụt…
Thực tế, trong những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân là trẻ em và người cao tuổi vào thăm khám, điều trị tại BVĐK tỉnh đã có sự gia tăng khoảng 15% - 20% so với thường ngày, nhất là tại Khoa Nhi, Khoa Tim mạch, Khoa Nội tổng hợp... Trong khi vật tư, hoá chất hết sức thiếu hụt nên bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc cấp cứu, điều trị cho người bệnh.
PV: Để phòng tránh hiệu quả các bệnh lý trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, bác sỹ có khuyến cáo gì cho người dân ?
Bác sỹ Nguyễn Bá Trọng: Trong thời điểm nhiệt độ tăng cao, nắng nóng mở rộng như hiện nay thì người dân, nhất là người già và trẻ em cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang chống nóng.
Bệnh nhân là người già gia tăng tại nhiều khoa ở BVĐK tỉnh do thời tiết nắng nóng gay gắt.
Cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Đối với người già, khi xuất hiện các triệu chứng cần được khám, điều trị theo phác đồ bác sỹ, không nên tự ý sử dụng thuốc. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sỹ.
Khi trẻ bị ốm, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và được tư vấn kịp thời.
Đối với trẻ em, phụ huynh cần tuân thủ lịch tiêm chủng, đặc biệt đối với những bệnh có vắc-xin tiêm ngừa, phụ huynh cần chú ý cho trẻ tiêm theo lịch, đúng chỉ định để tăng cường khả năng phòng bệnh.
Ngoài các biện pháp phòng bệnh cơ bản, cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi trẻ bệnh cần đưa đi thăm khám ở bác sỹ chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm của người lớn sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ.
PV: Xin cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi !
Theo Báo Hà Tĩnh