Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2022
Ngày đăng: 19/05/2022 - Lượt xem: 1731
Sáng nay (19/05), Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức hội nghị trực tuyến Văn hóa toàn tỉnh năm 2022 đánh giá kết quả triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về lĩnh vực văn hóa trong 20 năm qua và đề xuất các giải pháp phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu mới.
Dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chủ trì hội nghị.
Phía đầu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Hoàng Quang Trung, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện, các đồng chí trong BCH Đảng ủy, Bí thư các chi bộ, Trưởng các đoàn thể trong toàn viện
Hội nghị được kết nối từ điểm cầu UBND tỉnh đến 347 điểm cầu cấp huyện, cấp xã và các đảng bộ, chi bộ trực thuộc với sự tham gia của hơn 15.000 đại biểu
Toàn cảnh hội nghị Tỉnh ủy Hà Tĩnh (nguồn: Báo Hà Tĩnh)
Đầu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
Tại hội nghị, đại biểu được nghe báo cáo tình hình văn hóa Hà Tĩnh giai đoạn 1998 - 2022; định hướng, giải pháp phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng qua video trình chiếu.
Theo đó, sau hơn hai mươi năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 05/10/1998 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (khóa XIV) về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết TW5 (khóa VIII) và các chủ trương, nghị quyết khác của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của trung ương và tỉnh về lĩnh vực văn hóa, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng chương trình hành động; các huyện, thành, thị ủy đều ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, đơn vị; công tác tuyên truyền về nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh.
Xác định con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Những nội dung định hướng về xây dựng con người được xác định trong Nghị quyết TW5 (khóa VIII) đã được cụ thể hóa thành chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, từng đơn vị và từng đối tượng bằng các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả Từ đó, góp phần xây dựng con người Hà Tĩnh cốt cách thủy chung, nhân nghĩa, cần cù, hiếu học, trọng nghĩa tình, đoàn kết, tương thân, tương ái.
Thời gian qua, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa ở Hà Tĩnh đã được gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mũi đột phá, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đưa phong trào tỉnh nhà có những bước phát triển toàn diện.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới được đẩy mạnh. Cuối năm 2021, toàn tỉnh có trên 92% gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa. Phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển, liên tục nằm trong 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc; thể thao thành tích cao giành nhiều kết quả nổi bật. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đạt kết quả thiết thực. Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy.
Các thiết chế văn hóa được đầu tư khá quy mô, phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, 100% làng văn hóa, khối phố văn hóa trên toàn tỉnh xây dựng nhà văn hóa với diện tích từ 100m2 - 250m2.
Là địa phương có bề dày về hệ thống di tích với hơn 1.800 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, Hà Tĩnh luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các di sản gắn với phát triển du lịch. Công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học được quan tâm triển khai. Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; ca trù ghi vào di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp; Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ được ghi vào danh mục di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hà Tĩnh hiện có khoảng 30 dân tộc thiểu số cùng chung sống với người Kinh. Việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm. Nhờ đó, nhận thức và trình độ hiểu biết của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên, đa số đều đã biết đọc, biết viết tiếng Việt. Đồng bào dân tộc Chứt ở xã Hương Liên (Hương Khê) đã thành lập được chi bộ Đảng.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh từ tỉnh đến cơ sở. Hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà luôn sáng tạo, say mê cống hiến, tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Các chính sách văn hóa đối với tôn giáo và hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả. Thông qua các cuộc giao lưu đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận, tiếp thu tinh hoa văn hóa của các vùng miền, khu vực và góp phần quảng bá, giới thiệu mảnh đất, con người và văn hóa Hà Tĩnh với bạn bè quốc tế.Thiết chế văn hóa được xây dựng, củng cố và ngày càng hoàn thiện.
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, báo cáo nêu rõ: quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội; phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” chưa toàn diện; tiềm năng văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa được khai thác, phát huy; lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh và yêu cầu phát triển của tỉnh; công tác tuyên truyền, vận động xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh chưa thường xuyên, liên tục; môi trường văn hóa vẫn chưa thực sự văn minh, lành mạnh...
Báo cáo cũng đề ra 10 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 10 nhóm giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn mới.
Giai đoạn mới, Hà Tĩnh xác định mục tiêu chung trong phát triển văn hóa là: Xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chăm lo xây dựng con người Hà Tĩnh có nhân cách, lối sống tốt đẹp, yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, năng động, cần cù, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung.
Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Xây dựng và ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về văn hóa trong năm 2023.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:
- Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hà Tĩnh có các thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm: Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh; 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - Thể thao.
- Lập hồ sơ xếp hạng 1- 2 di tích quốc gia đặc biệt...
- Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh
- Bảo đảm 90% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, 100% các xã miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh truyền hình, phát thanh của quốc gia và địa phương.
- Phấn đấu trên 95% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; trên 98% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa; trên 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; 80% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị
- Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, bảo tồn các làng văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch
- Trên 90% cán bộ quản lý văn hóa các cấp được đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.
Thanh Tú