Làm sao để biết bị thiếu máu cơ tim?
Ngày đăng: 06/12/2024 - Lượt xem: 34
Thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh có nhiều khả năng dẫn đến nhồi máu cơ tim, khiến cơ tim bị hoại tử và gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim?
Thiếu máu cơ tim là bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, không cung cấp đủ oxy cho tim để thực hiện chức năng co bóp tống máu nuôi cơ thể. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim…
Nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu cơ tim là sự tích tụ của các mảng vữa và xơ cứng, được gọi là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm hẹp và cản trở sự lưu thông của máu qua động mạch.
Ngoài ra, lưu lượng máu mạch vành có thể giảm do cục máu đông từ vị trí khác di chuyển đến gây tắc mạch, hoặc do tình trạng co thắt động mạch vành.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim bao gồm:
Sử dụng thuốc lá: Đây là nguyên nhân chính gây xơ cứng thành động mạch vành. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm gia tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông.
Bệnh tiểu đường: Nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim và tiểu đường có liên quan mật thiết với nhau. Người bệnh tim mạch mắc tiểu đường có khả năng gặp tình trạng nhồi máu cơ tim và những bệnh tim khác.
Tăng huyết áp: Đây là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch và tổn thương cho động mạch vành.
Nồng độ cholesterol và triglycerid tăng cao trong máu làm hình thành các mảng xơ động mạch. Nồng độ cholesterol xấu - LDL có thể do di truyền hoặc do chế độ dinh dưỡng có chứa nhiều chất béo bão hòa.
Thừa cân, béo phì: Những người này thường có các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, tăng huyết áp, nồng độ cholesterol tăng trong máu.
Ít vận động: Ít hoạt động thể chất và không tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.
Thiếu máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến.
Cách nhận biết bệnh thiếu máu cơ tim
Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh là đau thắt ngực, nhất là ở vùng ngực trái. Bên cạnh đó có một số trường hợp người bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng nào của bệnh (tình trạng này còn được gọi là thiếu máu cơ tim yên lặng).
Người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:
Nhịp tim nhanh
Khi hoạt động thể chất cảm thấy khó thở
Buồn nôn và nôn
Đau cổ hoặc hàm
Đau vai hoặc cánh tay
Đổ mồ hôi
Cảm thấy mệt mỏi
Các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh:
Một số trường hợp nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy khi xuất hiện các dấu hiệu sau cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời:
Đau ngực dữ dội hoặc đau ngực kéo dài
Da sần sùi
Buồn nôn và nôn
Thở nhanh, gấp
Đau vai hoặc đau cánh tay
Triệu chứng thiếu máu cơ tim thường gây đau thắt ngực theo mức độ phân loại như sau:
Độ I: Hoạt động thể chất bình thường như đi bộ, leo cầu thang không gây đau thắt ngực trái. Đau thắt ngực chỉ xảy ra khi hoạt động gắng sức, nhanh, kéo dài.
Độ II: Hạn chế một phần trên hoạt động bình thường. Đau thắt ngực chỉ xảy ra khi đi bộ, leo cầu thang nhanh hoặc sau khi ăn, trong thời tiết lạnh, căng thẳng hoặc vài giờ sau khi thức dậy. Đi bộ khoảng 100m, một phần ngưng nghỉ của cầu thang.
Độ III: Đau thắt ngực xảy ra khi đi bộ 50 – 100m, lên một phần ngưng nghỉ của cầu thang.
Độ IV: Không có khả năng thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào mà không mệt, đau thắt ngực có thể xảy ra ngay lúc nghỉ.
Phòng ngừa thiếu máu cơ tim
Một thói quen lối sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bạn có thể phòng ngừa thiếu máu cơ tim bằng cách:
Không hút thuốc lá, thuốc lào và kể cả thuốc lá điện tử. Tránh xa khói thuốc lá.
Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
Tập thể dục thường xuyên.
Có chế độ ăn uống cân bằng, tăng cường rau xanh, hoa quả, cá, hạn chế muối, mỡ và nội tạng động vật.
Giảm căng thẳng.
Ngoài ra, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu để tìm ra các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa. Tuân thủ chỉ định hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc, không được tự ý ngưng thuốc khi không được sự đồng ý của bác sĩ. Khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống