Trong lịch sử dân tộc ta, Y tế là một trong những ngành có bề dầy lịch sử lâu dài nhất.Y tế gắn liền với nền văn hiến dân tộc và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong quá trình phát triển của Y học nước ta, điều dưỡng đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong ngành Y tế và ngày nay đã trở thành một ngành học với cả 3 cấp đào tạo sơ học, trung học và đại học.
Trong suốt chặng đường phát triển, ngành điều dưõng đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Song các thế hệ điều dưỡng đi trước đã kiên trì phấn đấu và từng bước đưa ngành điều dưỡng đi lên. Quá trình phát triển của chuyên ngành Điều dưỡng qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc và của ngành y tế có thể điểm qua như sau:
Trước thời pháp thuộc.
Vai trò của người mẹ: Trước khi xuất hiện các thầy thuốc và những người làm công việc chăm sóc sức khoẻ chuyên nghiệp, việc chăm sóc trẻ con, người già, người ốm trong mỗi gia đình được thực hiện bởi các người mẹ người chị bằng các công việc chăm sóc đơn giản trong điều kiện kiến thức và kinh nghiệm rất hạn chế.
Các kinh nghiệm chăm sóc được truyền miệng từ đời này sang đời khác đẫ làm cho người xưa biết dùng các cây thuốc nam để chữa các bệnh đơn giản như: dùng gừng,tỏi và uống nước vối để dễ tiêu hoá, uống nước chè xanh để giải khát, ăn trầu để tránh sâu răng và biết dùng một số cây thuốc để chữa bệnh như đinh hương, quế, hoài sơn...
Người đặt nền móng cho y học cổ truyền Việt nam: Hai danh y nổi tiếng tên tuổi vẫn còn lưu truyền đến ngày nay là Tuệ Tĩnh thế kỷ XIV, quê ở Cẩm Bình Hải Hưng, ông đã phát hiện trên 300 vị thuốc và tổng hợp 2854 phương thuốc để phổ biến chữa bệnh trong nhân dân. Hải Thượng Lãn Ông, thế kỷ XVIII, quê ở Mỹ văn Hải hưng đã để lại cho nền y học nước ta một gia sản có giá trị lớn về y đức, y thuật Việt nam.
Vai trò của các tôn giáo trong công tác chăm sóc . Cuối thế kỷ XV nhiều đoàn giáo sĩ phương tây đã đến Việt nam vừa truyền đạo,vừa chữa bệnh cho các tín đồ. Một số giáo sĩ được mời vào cung vua để chữa bệnh cho các vua quan trong triêù đình. Cuối thế kỷ XVII linh mục Vachet người Pháp và linh mục Coffler giáo sĩ Bồ đào nha là hai giáo sĩ đầu tiên đặt nền móng y học và điều dưỡng phương tây ở nước ta. Sau đó, các tu viện được lập ra các trại chăm sóc cho người nghèo, trại trẻ mồ côi do các bà xơ, các nữ tu sĩ đảm nhiệm . Việc chăm sóc mang tính nhân đạo,tự nguyện và không đòi hỏi thù lao.
Dưới thời Pháp thuộc
Sự có mặt của các thầy thuốc người Pháp: cuối thế kỷ XIX các thầy thuốc chuyên nghiệp của Pháp đã thay thế các nhà truyền giáo và người Pháp đã bắt đầu xây dựng bệnh viện và lập ra bộ máy y tế để bảo vệ sức khoẻ cho quân đội viễn chinh Pháp và kiều dân Pháp. Người Pháp ban hành chế độ học việc và mở lớp nam y tá đầu tiên vào năm 1901 tại bệnh viện Chợ quán. Năm 1923 mở trường y tá và ban hành ngạch bậc y tá bản xứ. Năm 1937, Hội chữ thập đỏ Pháp tuyển sinh lớp nữ y tá đầu tiên tại Sài gòn.
Địa vị của y tá bản xứ: do chính sách của thực dân Pháp không tôn trọng người bản xứ, coi rẻ bác sĩ và xem y tá là ngươì giúp việc và chỉ biết làm theo y lệnh của thầy thuốc. Tư tưởng này còn dư âm và ảnh hưởng nặng nề cho mãi đến ngày nay. Do chính sách bóc lột của thực dân Pháp đã đẩy người dân Việt nam vào cảnh sống nghèo khó,thiếu ăn,thiếu mặc, thiếu cơ sở y tế , lại sống trong điều kiện vệ sinh kém đã dẫn đến dịch bệnh liên tiếp làm hàng loạt người bị chết.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954
Ngày 28.8.1945, Bộ y tế của Chính phủ lâm thời đã được thành lập.Cách mạng tháng 8 thành công đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử nước ta nói chung và ngành y tế nói riêng. Từ năm 1947 các khu y tế bắt đầu đào tạo y tá xã, Nữ hộ sinh thôn quê với thời gian đào tạo từ 1-3 tháng, học sinh có trình độ văn hoá hết cấp I. Năm 1949, trường y tá liên khu 1 mở lớp đào tạo y tá đầu tiên , lớp vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên, trong thư Bác viết ‘‘y tá chẳng những là một nghề mà còn là một nghĩa vụ’’ (download thư bác Hồ gửi nam nữ học viên trường y tá liên khu I năm 1949) . Khi đó, các chương trình đào tạo y tá coi trọng phần thực hành, phần lý thuyết chỉ đủ để giải thích các hiện tượng và phản ứng thông thường khi dùng thuốc. Năm 1950, trường hộ sinh trung cấp liên khu 3 tại Thanh hoá được thành lập. Trong hoàn cảnh thiếu thốn cán bộ y tế, y tá vừa làm công việc phòng bệnh và điều trị các bệnh thông thường.Một số y tá giữ chức trưởng phó Ty y tế hoặc trưởng phó ban quân y trung đoàn hoặc tiểu đoàn độc lập.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 1955-1975
Đất nước tam thời chia cắt thành hai miền và mỗi miền có những bước phát triển riêng về công tác điều dưỡng. Miền nam, năm 1956 bắt đầu đào tạo điều dưỡng 3 năm. Năm 1970 thành lập Hội điều dưỡng Nam Việt. Tại Bộ Y tế Sài gòn đã có phòng điều dưỡng, các bệnh viện có phòng điều dưỡng và đã có chức vụ giám thị điều dưỡng cấp vùng và cấp miền. Miền Bắc: Năm 1963, Bộ trưởng Bộ Y tế ra quyết định về chức vụ y tá trưởng. Năm 1968 bắt đầu đào tạo y tá và nữ hộ sinh trung học 2.5 năm.
Cùng với sự hình thành và phát triển của ngành Y tế , trải qua ba cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đội ngũ y tá - điều dưỡng trong dân chính và quân đội đã có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đã để lại tình cảm tốt đẹp trong nhân dân và trong lòng những người chiến sĩ, bởi tinh thần phục vụ tận tuỵ, đã có nhiều tấm gương vì người bệnh như tựa lưng cho người bệnh ngủ, hiến máu cho người bệnh, lấy thân che mảnh bom đạn cho thương bệnh binh...Đã có 19 y tá được Nhà nước trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một người được phong tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú và hàng vạn người được công nhân là chiến sĩ thi đua các cấp của ngành y tế.
Năm 1975, kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước thống nhất từ đó điều dưỡng trong cả nước bắt đầu tìm được tiếng nói chung.
Công tác y tá- điều dưỡng từ 1975 đến nay
Lịch sử tên gọi : danh từ " Nurse" được gọi là Y tá ở miền bắc và gọi là điều dưỡng ở miền Nam. Y tá là một chức danh chính thức do Nhà nước qui định, tuy nhiên cán bộ y tế và nhân dân các tỉnh phía nam quen gọi y tá là điều dưỡng. Từ đó xuất hiện một danh từ kép là Y tá-Điều dưỡng để dung hoà trong trong giai đoạn quá độ. Tháng 8.1997, sau nhiều cố gắng của Hội y tá-điều dưỡng Việt Nam Nhà nước chấp thuận đổi tên Hội Y tá-Điều dưỡng thành Hội điều dưỡng.Tuy nhiên, chức danh viên chức vẫn gọi là y tá.
Thời kỳ khó khăn: Do nhiều năm không được quan tâm đúng mức, người điều dưỡng chỉ được đào tạo cao nhất là ở bậc trung học, điều dưỡng viên sau khi ra trường không còn cơ hội để học tập và tiến bộ trong nghề nghiệp, ngành điều dưỡng hầu như dậm chân tại chỗ, tâm lý tự ty bao trùm lên nhiều y tá và nhiều người không an tâm với nghề, nhiều điều dưỡng viên có trình độ đã chuyển sang học Bác sĩ hoặc bỏ nghề.
Vai trò của các chuyên gia điều dưỡng Thuỵ điển: Vào những năm 1980,Chính phủ Thuỵ điển giúp đỡ xây dựng hai bệnh viện.Viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em-Hà nội và bệnh viện Uông bí-Thuỵ điển. Các chuyên gia điều dưỡng Thuỵ điển được cử đến làm việc ở hai bệnh viện là Bà lOLA CARSON, ANN.MARIE NILSON, SIRKA BLOOM, EVA JONHANSSON... đã có công trong việc đưa các quan niệm mới về điều dưỡng vào Việt nam.
Sự ra đời của các phòng điều dưỡng bệnh viện : Năm 1987, do tác động mạnh mẽ của Ban giám đốc hai bệnh viện ( Gs Nguyễn Thu Nhạn và Bs Nguyễn ngọc Hàm) và khuyến cáo của các chuyên gia điều dưỡng Thuỵ điển, Bộ Y tế cho thành lập thí điểm phòng y tá tại viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em- Hà nội và Ban y tá bệnh viện đa khoa Uông bí-Thuỵ điển ( Phòng y tá và Ban y tá đầu tiên trong toàn quốc). Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của phòng y tá hai bệnh viện điểm và các bệnh viện phía nam, nhất là các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh; năm 1990, Bộ y tế ra quyết định 570/BYT-QĐ thành lập phòng y tá trong các bệnh viện. Đây là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển đầu tiên của ngành điều dưỡng. Sau đó, do tốc độ phát triển nhanh của phòng y tá bệnh viện dẫn đến nhu cầu cần phải có tổ chức tại Bộ để chỉ đạo và thống nhất hoạt động nên năm 1993, Bộ y tế ra quyết định thành lập phòng y tá tại Vụ Điều trị và năm 1996, Bộ ra thông tư hướng dẫn chức vụ Y tá trưởng Sở y tế.
Thực hành điều dưỡng: Sự ra đời của Phòng điều dưỡng bệnh viện và tổ chức điều dưỡng ở các cấp đã thúc đẩy sự phát triển thực hành điều dưỡng và coi trọng chất lượng chăm sóc người bệnh . Do sự tác động của Hội điều dưỡng và Phòng điều dưỡng Vụ điều trị Bộ y tế đã làm cho chức năng chủ động nghề nghiệp của người điều dưỡng được thể hiện dần trong các văn bản chỉ đạo mang tính pháp lý như qui chế về chăm sóc người bệnh toàn diện và các chức trách cá nhân của điều dưỡng trưởng và điều dưỡng chăm sóc. Hội điều dưỡng Việt nam đã khởi sướng việc xây dựng và đề nghị Bộ y tế ban hành tiêu chuẩn chăm sóc người bệnh và tiêu chuẩn thực hành điều dưỡng. Tuy đã có nhiều cố gắng, song về cơ bản việc thực hành của điều dưỡng viên còn khá thụ động, tính chủ động nghề nghiệp còn chưa rõ và chất lượng chăm sóc người bệnh chưa cao, chưa tạo dựng được nề nếp ổn định và chính qui trong công tác chăm sóc người bệnh. Những nguyên nhân chủ quan là do: Quan niệm và thói quen cũ chưa được khắc phục, kiến thức và kỹ năng điều dưỡng thiếu hụt; một số nguyên nhân khách quan do chưa có đủ qui định pháp lý cho người điều dưỡng được làm gì và phải làm gì, ngoài ra lương thấp và thiếu điều kiện làm việc cũng là các yếu tố quan trọng.
Tổ chức Hội nghề nghiệp: Năm 1986, sau hàng loạt những cố gắng của những người lãnh đạo điều dưỡng các tỉnh phía nam, Hội điều dưỡng khu vực thành phố HCM được thành lập và đã xuất bản được nội san điều dưỡng. Năm 1989, Hội điều dưỡng Thủ đô Hà nội và Quảng ninh ra đời. 3 Hội điều dưỡng trên đã đặt nền tảng cho việc hình thành tổ chức hội điều dưỡng sau này. Năm 1990, Hội y tá - điều dưỡng Việt nam được Chính phủ cho phép thành lập. Hội là một tổ chức có pháp nhân đại diện cho người điều dưỡng, nữ hộ sinh, KTV toàn quốc. Đại hội thứ nhất của Hội đã được tổ chức tại hội trường Ba đình lịch sử. Hội đã đươc nhà nước phê duyệt Điều lệ và được Nhà nước cho phép xuất bản THÔNG TIN ĐIềU dưỡng, lần đầu tiên người điều dưỡng có tờ báo vừa đại diện cho tiếng nói chung của điều dưỡng vừa là diễn đàn để hội viên trao đổi nghề nghiệp. Năm 1997, Nhà nước cho phép đổi tên hội thành Hội điều dưỡng Việt nam. Đến nay, Hội điều dưỡng Việt nam đã có tổ chức tại 39 tỉnh thành trong toàn quốc và có số hội viên lên tới gần 40.000 ngàn người. Mặc dù có nhiều khó khăn, phải tự trang trải kinh phí hoạt động, hội phí của hội viên chủ yếu để tại các cơ sở để trực tiếp sử dụng cho hội viên nhưng Hội TW đã có nhiều cố gắng để vừa duy trì và vừa phát triển các hoạt động. Hội đã tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế như CARE Australia, Uy ban Khoa học Mỹ Việt, HVO, Hội điều dưỡng Canada, tổ chức y tế Thế giới và một số tổ chức Quốc tế khác để tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn cho hội viên.
Cùng với sự ra đời của Hội điều dưỡng, năm 1995 Nhà nước cho phép thành lập Hội Nữ hộ sinh Việt nam. Sau khi Hội NHS Việt nam ra đời, do sự tự nguyện của nhiều NHS nên Điều lệ của Hội điều dưỡng Việt nam vẫn thống nhất thành phần hội viên hoạt động của Hội điều dưỡng bao gồm Y tá-điều dưỡng, NHS và Kỹ thuật viên.
Đào tạo cử nhân điều dưỡng: Năm 1985 Bộ y tế cho đào tạo thí điểm y tá cao cấp hệ tại chức, tại đại học Y Hà nội và đại học Y-Dược Thành phố HCM. Sau 3 khoá đầu, Bộ quyết định tạm ngừng để rút kinh nghiệm và từ năm 1993 chính thức đưa vào đào tạo thường xuyên hệ tại chức tại đại học Y-Dược Thành phố HCM và trường Cao đẳng y tế Nam định. Từ năm 1995, đào tạo điều dưỡng chính qui 4 năm tại đại học Y hà nội và đại học Y-Dược thành phố HCM. Năm 1996, Học viện Quân y Bộ quốc phòng đă tổ chức đào tạo điều dưỡng đại học . Năm 1998, Đại học y Huế với sự giúp đỡ của Đại học Y khoa Hà nội đã chiêu sinh lớp cử nhân điều dưỡng cao đẳng đầu tiên và Đại học Quốc gia Thái nguyên cũng đã thành lập Khoa Điều dưỡng để chuẩn bị đào tạo cử nhân điều dưỡng. Việc đào tạo điều dưỡng ở bậc đại học là một bước ngoặt thứ hai sau sự kiện hình thành tổ chức Hội và tổ chức quản lý ngành điều dưỡng ở các cấp, người điều dưỡng ngày nay được học trong trường đại học như các ngành khác và tìm thấy tiền đồ trong nghề nghiệp của mình.
Tóm lại: Lịch sử phát triển của ngành y tá- điều dưỡng gắn liền với lịch sử của ngành y tế và lịch sử dân tộc Việt nam. Trong mọi thời đại nhân dân ta luôn ghi nhận rằng những người y tá-điều dưỡng luôn gắn bó và sát cánh cùng người thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc và BVSKND. Những thế hệ điều dưỡng đi trước đã phấn đấu kiên trì cho sự ra đời và trưởng thành của ngành điều dưỡng hôm nay.
Từ năm 1990 trở lại đây được sự quan tâm của Bộ y tế và Nhà nước, ngành y tá- điều dưỡng đã hình thành được hệ thống tổ chức và đã đưa người điều dưỡng vào đào tạo trong các trường đại học, những thành tích ban đầu đã đạt được góp phần làm thay đổi những quan niệm về vị trí xã hội và vai trò của người điều dưỡng trong ngành Y tế. Tự hào về truyền thống của ngành, các thế hệ điều dưỡng hiện tại và tương lai sẽ cố gắng phấn đấu, nâng cao y đức phục vụ người bệnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân của ngành y tế và đưa ngành điều dưỡng nước ta hoà nhập với điều dưỡng các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Phạm Đức Mục - Hoidieuduong.org.vn