Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn cuộc sống
Ngày đăng: 01/02/2021 - Lượt xem: 1183
Bài học sâu sắc mà Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh rút ra sau mỗi kỳ Đại hội là kịp thời xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể để sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào thực tiễn cuộc sống…
|
Đồng chí Hoàng Trung Dũng,Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh trao đổi với phóng viên.
|
Đó là chia sẻ của đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh với phóng viên Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam; Trang tin điện tử Đại hội XIII bên lề Đại hội.
Phóng viên: Thưa đồng chí, tham dự Đại hội lần này, đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh mang đến Đại hội những niềm tin, kỳ vọng và kiến nghị gì với đại hội và cho giai đoạn sắp tới nói chung?
Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa hết sức to lớn, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đại hội mở ra thời kỳ mới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước;khẳng định ý chí, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đề ra. Những năm qua, công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao và ngày càng khẳng định vị thế to lớn của đất nước trong đời sống chính trị, kinh tế của thế giới.
Với khí thế và niềm tin mãnh liệt đó, Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh dự Đại hội XIII đặt niềm tin và rất kỳ vọng về Đại hội, đó là:
Thứ nhất, việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị từ sớm, công phu, bài bản, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào Việt Nam định cư ở nước ngoài. Dự thảo các văn kiện đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn; kế thừa, bổ sung phát triển đường lối đổi mới của Đảng trong 35 năm qua với nhiều nội dung mới, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược, thể hiện khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Thứ hai, nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Ðảng và đạt được những kết quả rõ rệt. Đặc biệt, trong công tác cán bộ đã được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm. Cán bộ, đảng viên, Nhân dân Hà Tĩnh mong muốn và tin tưởng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII tiếp tục là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động; mỗi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.
Thứ ba, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể quan trọng, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và tin tưởng trong nhiệm kỳ Đại Hội XIII, Đảng sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiếp tục nâng cao niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch vững mạnh để lãnh đạo, chỉ đạo đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Phóng viên: Đại hội Đảng lần này cũng đánh giá về quá trình 35 năm Đổi mới, xin đồng chí cho biết những đổi thay đáng kể tại Hà Tĩnh sau 35 năm Đổi mới?
Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã đưa Việt Nam thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng và vươn lên phát triển với nhiều kỳ tích như ngày nay. Sau 35 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng chia sẻ về những đổi thay của tỉnh sau 35 năm Đổi mới
Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng qua các giai đoạn, tính chung 30 năm (1991 - 2020) đạt 10,33%/năm; Quy mô kinh tế tăng gấp 95 lần; GRDP bình quân đầu người tăng gấp 86 lần, đến năm 2020 bình quân đạt 65 triệu đồng/người; Thu ngân sách tăng gấp 722 lần so với năm 1991, riêng giai đoạn 2015 - 2020 thu ngân sách xếp thứ 21 cả nước, năm 2020 đạt gần 13 ngàn tỷ đồng.
Tại Hà Tĩnh, đến nay, trải qua 35 năm đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh (1991 - 2021), với sự nỗ lực kiên trì, bền bỉ, khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã dành được nhiều thành quả to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.Sau 30 năm, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, từ 9,1% lên 47%; dịch vụ từ 26,36% lên 40,8%; nông nghiệp từ 64,54% giảm còn 12,2%. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại. Công nghiệp có bước đột phá và phát triển vượt bậc; thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển nhanh. Lĩnh vực nông nghiệp, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhiều kết quả nổi bật.
Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Giáo dục, đào tạo luôn được xếp tốp đầu cả nước về thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; Khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông tham gia tích cực vào thực tiễn sản xuất và đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững.Hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả, nhất là hợp tác hữu nghị với các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được chú trọng. Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Ðảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Coi trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng; sau tái lập tỉnh năm 1991, với hơn 62.000 đảng viên, đến nay Ðảng bộ đã có 98.922 đảng viên sinh hoạt ở 648 đảng bộ, chi bộ cơ sở của 17 đảng bộ trực thuộc.
Với những thành quả đạt được trong 35 năm đổi mới và 30 năm tái lập tỉnh và phát triển (1991 - 2021) đã khẳng định sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh; đó cũng chính là nền tảng, tiền đề vững chắc để Hà Tĩnh tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, xứng đáng với truyền thống quê hương, tâm huyết và kỳ vọng mà bao thế hệ đã tạo dựng, bồi đắp, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Phóng viên: Góp phần vào thành tích chung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những thành tích nổi bật nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả quan trọng.
Thứ nhất, Hà Tĩnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt coi trọng công tác chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy dân chủ, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng bộ.
Thứ hai, Hà Tĩnh đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy với lộ trình, bước đi thích hợp. Chủ động sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện thí điểm sắp xếp những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, tinh giản biên chế để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, Hà Tĩnh là một trong 4 địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã được sáp nhập cao nhất cả nước với 30% tổng số xã toàn tỉnh, trong đó có 12 xã sáp nhập từ 3 xã, 44 xã nhập từ 2 xã. Trong quá trình thực hiện, Hà Tĩnh đã tiến hành chắc chắn, kỹ lưỡng. Kết quả đã giảm 46 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46,7% cán bộ, công chức, bán chuyên trách (1084/2321 người); giảm chi hành chính mỗi năm 138 tỷ đồng. Quan trọng hơn, sau khi sáp nhập, không gian các địa phương mở rộng, tư duy, tầm nhìn kết nối vùng của đội ngũ cán bộ và hiệu quả lãnh đạo, điều hành của bộ máy cơ sở được nâng lên. Sau sáp nhập, các đơn vị đã tổ chức đại hội đảng thành công, vượt trước mốc thời gian quy định. Đổi mới cấp ủy đầu nhiệm kỳ gần 30%; cấp ủy viên nữ chiếm gần 21%; bầu bí thư trực tiếp tại đại hội cấp cơ sở đạt 69%.
|
"Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi sẽ đề xuất và cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm" - đồng chí Hoàng Trung Dũng chia sẻ.
|
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 6%. Quy mô nền kinh tế gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 44 triệu đồng lên gần 65 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 36 triệu đồng. Công nghiệp tăng trưởng nhanh, tiếp tục là động lực chủ yếu của nền kinh tế, bình quân đạt 31,1%. Tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh, từ 12,4% lên 37,6%. Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1) đi vào hoạt động, trở thành hạt nhân tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp 50% cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho hơn 10,5 ngàn lao động. Một số dự án công nghiệp quan trọng được khởi công, hoàn thành và bước đầu phát huy hiệu quả.
Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành nông nghiệp đạt gần 2%, giá trị sản xuất/ đơn vị diện tích tăng hơn 90 triệu đồng/ha... Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; vượt chỉ tiêu và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đại hội. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 93% số xã và có 6 huyện đạt chuẩn NTM; có 13 xã NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu; 122 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021- 2025”.
Hà Tĩnh đã huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 164.000 tỷ đồng. Xã hội hóa đầu tư đạt kết quả nổi bật, nhất là nguồn đầu tư hạ tầng đô thị, thương mại, giáo dục - đào tạo, đặc biệt là kêu gọi được một số tập đoàn lớn như Vingroup, Nguyễn Hoàng, T&T...
Thứ tư, Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng, nhiều di sản được UNESCO vinh danh như: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; ca Trù; Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ. Thể thao thành tích cao có nhiều khởi sắc, tham gia các giải đấu thể thao lớn trong nước và quốc tế đạt 631 huy chương các loại; đội bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh thăng hạng V.League mùa giải 2020 và vào vòng tứ kết Cúp Quốc gia 2020.Tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia liên tục thuộc tốp đầu cả nước; có nhiều học sinh đạt huy chương quốc tế và khu vực.
Thứ năm, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sau sự cố môi trường biển. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, cấp huyện vững mạnh toàn diện, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc.
Phóng viên: Đại hội Đảng dự kiến bế mạc vào ngày mai và thông qua Nghị quyết Đại hội với nhiều mục tiêu, phương hướng mới. Với trách nhiệm là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ngay sau Đại hội, đồng chí sẽ có kế hoạch chỉ đạo và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII như thế nào tại Đảng bộ tỉnh?
Đồng chí Hoàng Trung Dũng: Để thực hiện nhất quán quan điểm: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng - phát triển văn hóa là mục tiêu, động lực, nền tảng tinh thần xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng thì bài học sâu sắc mà Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh rút ra sau mỗi kỳ Đại hội là kịp thời xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể để sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào thực tiễn cuộc sống.
Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với trách nhiệm là người đứng đầu, tôi sẽ đề xuất và cùng tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm trước mắt sau:
- Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, hiệu quả Nghị quyết, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những nội dung của Nghị quyết. Gắn chặt triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
- Tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng bổ sung những nội dung mới trong Nghị quyết Đại hội XIII vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
- Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, doanh nghiệp, để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, ý chí khát vọng của người Hà Tĩnh, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu sớm xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới và trở thành tỉnh khá của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Chủ động theo dõi, nắm chắc, dự báo tình hình tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tập trung xử lý bức xúc nảy sinh từ cơ sở, các tình huống liên quan đến an ninh trật tự. Nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại các đối tượng phản động, cực đoan lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam