Những lưu ý “sống còn” đối với người mang nhóm máu hiếm
Ngày đăng: 24/12/2019 - Lượt xem: 1933

Ở Việt Nam chỉ khoảng 0,04% người có nhóm máu Rh- (nhóm máu hiếm). Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm này chỉ mới chỉ tập trung được 13 người nhóm máu hiếm tham gia CLB người máu hiếm miền Trung.

Nhóm máu hiếm có nhiều rủi ro

Ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+, B+, A+ hoặc AB+). Còn lại chỉ có 0,04% - 0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O-, B-, A- hoặc AB-). Theo quy định, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm.

Có những năm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh không thu được đơn vị máu hiếm nào

Còn tại Hà Tĩnh, số lượng người mang nhóm máu hiếm đến nay được phát hiện hết sức khiêm tốn. Theo số liệu từ Khoa Huyết học – Truyền máu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận khoảng từ 5.000 – 5.500 đơn vị máu. Tuy nhiên, số đơn vị máu hiếm chỉ khoảng vài đơn vị, có những năm không có đơn vị nào.

Theo các chuyên gia y tế, trong cuộc sống, những người có nhóm máu hiếm Rh- có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác.

Thạc sỹ Hoàng Quốc Anh - Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Khoa Huyết học – Truyền máu BVĐK tỉnh cho biết, những người nhóm máu hiếm khi gặp tai nạn gây mất máu hoặc phẫu thuật cấp cứu nếu bệnh viện không có máu hiếm dự trữ hoặc không có người hiến kịp thời và đủ đơn vị máu thì sẽ hết sức nguy hiểm đến tính mạng.

Số máu hiếm trong kho dự trữ ở các bệnh viện rất ít, vì vậy bệnh nhân có nhóm máu hiếm sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với người mang nhóm máu khác.

“Đặc biệt là đối với sản phụ có nhóm máu hiếm thì càng phức tạp. Nếu không kiểm tra, theo dõi thường xuyên sẽ rất dễ gây bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc đứa trẻ sinh ra nhưng bị thiểu năng trí tuệ. Chính vì vậy, những phụ nữ mang nhóm máu hiếm khi mang thai cần kiểm tra thường xuyên để tiêm dự phòng ANTID” - thạc sỹ Anh cho biết.

Rất cần người hiến máu hiếm

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh, không ít các ca cấp cứu có người bệnh mang nhóm máu hiếm dù hết sức nguy cấp song đã may mắn vượt “ải tử thần” khi có người kịp thời hiến những đơn vị máu hiếm.

2 chiến sỹ Nguyễn Cao Chiến và Trần Phan Nhật hiến máu cứu bệnh nhân Lê Thị T.

Điển hình như bệnh nhân Hồ Thị Th. (70 tuổi, trú tại xã Thạch Lâm, Thạch Hà) vào BVĐK tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng thiếu máu nặng do xuất huyết dạ dày, nếu không truyền máu kịp thời sẽ cực kỳ nguy hiểm. Sau khi xét nghiệm nhóm máu của bệnh nhân là loại A,Rh- cực hiếm.

Thời điểm đó, Hà Tĩnh mới phát hiện 1 trường hợp có nhóm máu A,Rh- nhưng người này đã đi lao động ở nước ngoài. Trước tình hình đó, BVĐK Hà Tĩnh đã liên hệ với CLB nhóm máu hiếm khu vực miền Trung, rất may thầy giáo Nguyễn Quý Hùng và anh Nguyễn Văn Quân cùng trú tại Quảng Bình đã kịp thời di chuyển hơn 200 km trong đêm, ra Hà Tĩnh hiến máu cứu người.

Hay như trường hợp của bệnh nhân Lê Thị T. (xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) có nhóm máu hiếm AB được người nhà đưa đến BVĐK huyện cấp cứu trong tình trạng chửa ngoài tử cung bị vỡ dẫn đến thiếu máu nhiều. 2 chiến sỹ Nguyễn Cao Chiến (Công an tỉnh) và Trần Phan Nhật (Công an TP. Hà Tĩnh) đã nhanh chóng có mặt, hiến 2 đơn vị máu cứu bệnh nhân T.

Là người có nhóm máu hiếm, từng 17 lần tham gia hiến máu cứu người, không chỉ trong tỉnh mà còn các tỉnh, thành khác trong cả nước, anh Phạm Hồng Minh - thành viên CLB người máu hiếm miền Trung chia sẻ: Hiện nay, số lượng thành viên tham gia CLB tại Hà Tĩnh chỉ được 13 người. Các thành viên đều thường xuyên liên lạc để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau khi có rủi ro và liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng máu sống để hỗ trợ người bệnh ở các tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, số thành viên của CLB tại Hà Tĩnh đang còn hạn chế, mong sắp tới những người mang trong mình nhóm máu hiếm khi phát hiện được có thể nhanh chóng gia nhập CLB để vừa có thể giúp người khác và giúp mình”.

Theo thạc sỹ Hoàng Quốc Anh, để hạn chế những rủi ro trong cuộc sống, những người nhóm máu hiếm phải luôn luôn quan tâm đến sức khỏe bản thân và động viên những người thân trong gia đình xét nghiệm để biết chính xác nhóm máu.

Đồng thời cần thông báo nhóm máu hiếm của mình với cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt khi cần truyền máu và chăm sóc thai nghén; tích cực tham gia CLB người có nhóm máu hiếm để sẻ chia thông tin, hỗ trợ nhau trong những trường hợp cần truyền máu.

 

Theo Báo Hà Tĩnh



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 81

  • Tổng lượt truy cập: 23756160

  • Hôm nay: 21519