Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam- Phạm Lương Sơn: BHYT cần cân bằng mục tiêu “chia sẻ cộng đồng” và tính “bền vững”
Ngày đăng: 30/06/2021 - Lượt xem: 1454
Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế phát triển chậm lại so với dự kiến, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiều chính sách, tuy nhiên theo chỉ đạo của Chính phủ, an sinh xã hội vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Nhấn mạnh những nỗ lực của ngành BHXH trong việc đảm bảo chính sách BHYT- một trong các chính sách ASXH được đặc biệt quan tâm trong thời điểm hiện nay đạt hiệu quả cao nhất, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: BHYT toàn dân là phương thức cơ bản để đạt mục tiêu mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, là đích hướng tới không chỉ của Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới
PV: Nhiều khảo sát, nghiên cứu trong thời gian gần đây như báo cáo PAPI 2020, báo cáo về "Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam" của Ngân hàng thế giới... đều chỉ ra rằng, tác động của đại dịch Covid-19 khiến những lo ngại của người dân về kinh tế, sức khỏe tăng cao trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, BHYT được xem là một trong các cơ chế tài chính công dành cho chăm sóc sức khỏe. Vậy theo đánh giá của ông, quá trình thực hiện chính sách BHYT tính đến thời điểm hiện nay có những thành tựu gì đáng chú ý nhất?
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam- Phạm Lương Sơn:Xét trên bức tranh chung về thực hiện chính sách BHYT, thành công đầu tiên trong thực hiện chính sách BHYT ở nước ta hiện nay là cơ chế chính sách, một hành lang pháp lý thực hiện chính sách BHYT cơ bản đã được hoàn thiện. Việt Nam đã có Luật BHYT được Quốc hội khoá XII thông qua năm 2008, tiếp đó được Quốc hội khóa XIII sửa đổi, bổ sung năm 2014. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển chính sách BHYT. Bên cạnh đó, rất nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến chính sách BHYT và mục tiêu BHYT toàn dân, như: Nghị quyết 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội 2013 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016- 2020, Nghị quyết số 20-NQ/TW (ngày 25/10/2017) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới…
Ở khía cạnh “bao phủ”, cả ba yếu tố bảo đảm sự thành công của chính sách BHYT (gồm tỷ lệ người tham gia, giảm chi từ tiền túi của người bệnh và gói quyền lợi của người dân tham gia BHYT) đều đã và đang được hiện thực hóa với nhiều thành tựu tích cực. BHXH Việt Nam, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT hiệu quả nhất.
Có thể nói, chính sách BHYT đã góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các giải pháp tài chính để chăm lo sức khỏe cho bản thân. Người tham gia BHYT ngày càng nhận thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT... Số thu BHYT những năm qua có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ nợ đọng cũng có chiều hướng giảm đi theo các năm... Những con số này phần nào minh chứng sự tuân thủ các quy định pháp luật về thực hiện BHYT cũng tốt hơn.
PV: Có thể thấy hiện nay chính sách BHYT đang thay đổi theo hướng mở rộng quyền lợi cho người tham gia, ông có thể nói cụ thể hơn về những này?
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia, BHXH Việt Nam đã tiếp tục tích cực tham gia với Bộ ngành hướng dẫn và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT như cấp thuốc dài ngày, cấp thuốc cho người bệnh mạn tính từ 2- 3 tháng, tránh cho người bệnh phải đến cơ sở y tế nhiều lần… BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương cũng đã chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như ứng dụng CNTT trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin, và hiện nay là sử dụng thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng BHXH số- VssID… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia BHYT. Đây là một con số đáng ghi nhận khi mới chỉ so với năm 2015- thời điểm điểm Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực, với số đối tượng tham gia BHYT là 69,97 triệu người đạt 76,5% dân số. Xu hướng mở rộng diện bao phủ, tăng nhanh số người tham gia BHYT vẫn tiếp tục được duy trì trong các năm tiếp theo khi con số này đã tăng lên 75,92 triệu người, đạt 81,9% vào năm 2016. Xu hướng tăng trưởng này tiếp tục trong năm 2017 với 81,19 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 86,9% dân số; bao phủ 88,5% vào năm 2018, và 89,3% năm 2019... Riêng trong năm 2021, 5 tháng đầu năm, mới có lĩnh vực BHYT là có số người tham gia BHYT tăng cao hơn so với cuối năm 2020. Có thể nói, đây là một thành công trong việc thực hiện chính sách BHYT. Điều đó thể hiện sự nỗ lực và linh hoạt của ngành BHXH trong vận động, chuyển đổi các nhóm đối tượng tham gia BHYT phù hợp với thực tế, trong bối cảnh khó khăn kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay, khiến số DN dừng hoạt động hoặc giải thể tăng cao, rất nhiều NLĐ đang tham gia BHXH, BHYT bị mất việc làm, tạm dừng đóng BHXH, BHYT...
Chính sách BHYT cũng đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi người dân cho các dịch vụ y tế đã giảm xuống từ 49% năm 2012 còn khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế hiện nay. Con số này vẫn còn ở mức khá cao, nhưng cho thấy xu hướng giảm dần, hướng tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
Luật BHYT hiện hành cũng quy định gói quyền lợi của người tham gia BHYT rất rộng, bao phủ hầu hết các dịch vụ y tế mà ngành y tế Việt Nam có thể cung cấp, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn. Việt Nam cũng là số ít các nước mà quỹ BHYT chi trả cả cho việc điều trị các bệnh hiếm... Về phạm vi KCB, bên cạnh các dịch vụ điều trị, quỹ BHYT đã chi trả cả cho các dịch vụ phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con. Danh mục thuốc, VTYT, dịch vụ kỹ thuật cũng được điều chỉnh thường xuyên (tên loại, hạng bệnh viện được sử dụng, tỷ lệ chi trả) để phù hợp với nhu cầu KCB, sự phát triển khoa học kỹ thuật, và hiệu quả sử dụng quỹ BHYT. Một số nhóm đối tượng không phải áp dụng cùng chi trả chi phí; mức hưởng BHYT khi KCB trái tuyến cũng được điều chỉnh tăng lên trong Luật BHYT 2014.
Năm 2020, cả nước có trên 167,220 triệu lượt người KCB nội trú và ngoại trú trong năm 2020. Tuy số lượt KCB giảm 16,89 triệu lượt người (9,18%) so với năm 2019 do thời gian dãn cách, người dân hạn chế đến BV, tuy nhiên số tiền chi KCB BHYT ước khoảng trên 102.940 tỷ đồng, tăng trên 2.740 tỷ đồng (2,7%) so với năm 2019 do chi phí điều trị bình quân tại các sở KCB vẫn gia tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước cũng có trên 65.3 triệu lượt KCB BHYT, với số chi trên 42.000 tỷ đồng (tăng 12%) so với cùng kỳ 2020.
PV: Như ông chia sẻ, nguồn quỹ BHYT là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn này. Ông đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT hiện nay?
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Về mặt tích cực, số lượt, số chi KCB BHYT cho người có thẻ BHYT đi KCB tăng nhanh thể hiện sự quan tâm ngày càng cao của người dân đến chính sách BHYT, cũng như sự đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Mặt khác, mức tăng chi gia tăng nhanh cũng cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong việc đảm bảo an toàn quỹ BHYT. Tính từ năm 2016, số chi KCB BHYT đã tăng 46% so với năm 2009, lần đầu tiên quỹ KCB BHYT bắt đầu mất cân đối. Từ năm 2017 đến nay, quỹ BHYT luôn có số chi cao hơn số thu. Năm 2017, số thu là 71.301 tỷ đồng, thì chi KCB là 88.660 tỷ đồng. Năm 2018, số thu là 83.335 tỷ đồng, số thu lên tới 91.405 tỷ đồng; năm 2019 số thu là 90.839 tỷ đồng, số chi là 108.060 tỷ đồng. Tỷ lệ đi KCB không đúng tuyến, điều trị nội trú đều có xu hướng tăng cao...
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và mức đóng BHYT khi mở rộng phạm vi bao phủ và quyền lợi, ảnh hưởng đến sự an toàn của quỹ BHYT. Ngoài ra, quy định người bệnh được hưởng quyền lợi không cùng chi trả chi phí KCB BHYT khi tham gia 5 năm liên tục và có chi phí cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở cũng làm mất cơ chế cùng kiểm soát chi phí KCB BHYT. Quy định về thông tuyến không có cơ chế kiểm soát dẫn đến tình trạng một số cơ sở có cơ chế thu hút người bệnh có thể dẫn đến việc tăng số lượng KCB so với nhu cầu thực tế, hoặc người có thẻ BHYT đi khám nhiều lần trong ngày, trong tuần, trong tháng tại nhiều cơ sở y tế. Văn bản pháp luật lĩnh vực BHYT cũng thiếu cơ chế xử lý đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng KCB BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh, có thể gây thất thoát quỹ BHYT...
PV: Vậy theo ông, chúng ta cần có những điều kiện và giải pháp như thế nào để đạt được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua BHYT?
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là khát vọng thể hiện tính ưu việt, công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để đạt được mục tiêu này, không có cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, đảm bảo được hai yêu cầu rất cơ bản. Đó là phải bao phủ đến mọi người, hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi KCB mà không có BHYT. Đồng thời, phải bảo đảm bền vững về tài chính- đây là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam hiện nay, khi tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT vẫn đang tiếp diễn.
Người dân đi khám chữa bệnh BHYT.
Thời gian vừa qua, để đảm bảo việc sử dụng quỹ KCB BHYT an toàn, hiệu quả, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu cơ sở KCB, BHXH các tỉnh giám sát điều trị nội trú, tránh tình trạng cơ sở y tế cố tình “đẩy” bệnh nhân vào điều trị nội trú để tăng nguồn thu… Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế tham gia dự án Luật BHYT sửa đổi; tập trung giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT… Hiện nay, phương thức thanh toán theo giá dịch vụ đang cho thấy những hạn chế khi tạo ra sự “khuyến khích” các cơ sở KCB tăng chỉ định, DVYT cho bệnh nhân BHYT, làm gia tăng chi phí phí, lợi dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở KCB, từ người tham gia BHYT, dẫn đến bội chi quỹ KCB BHYT. Do đó, việc đổi mới phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT cũng đang được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ để khắc. Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí KCB theo định suất cho KCB ngoại trú đã được Bộ Y tế ban hành, có hiệu lực từ 1/7/2021. Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí KCB theo trường hợp bệnh (DRG) cho thanh toán chi phí KCB BHYT nội trú cũng đang hoàn thiện, dự kiến sẽ được ký ban hành trong năm 2021… Những thay đổi này dự kiến sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong thực hiện chính sách BHYT và giám sát sử dụng quỹ KCB BHYT…
Trước những bất cập trong quá trình thực hiện Luật BHYT 2014, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ có những cách tiếp cận mới, như: hạn chế sự “bao cấp”, tăng trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BHYT, cũng như cùng kiểm soát chi phí KCB; phòng chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT…
Tuy nhiên, thực tế cũng đã cho thấy, để mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT, điều kiện quan trọng nhất là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị phải tương xứng với vai trò quan trọng của chính sách này, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, giám sát và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT. Thời gian tới, chúng ta vẫn cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BHYT.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Cổng thông tin Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam