Phụ nữ mang thai trên 13 tuần được tiêm vaccine COVID-19
Ngày đăng: 12/08/2021 - Lượt xem: 12682
Ngày 10/8, Bộ Y tế Việt Nam vừa ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Theo hướng dẫn, phụ nữ mang thai trên 13 tuần thuộc đối tượng được tiêm vaccine COVID-19.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả người trên 18 tuổi, khoẻ mạnh đủ các điều kiện tiêm, đều được tiêm vaccine COVID-19. Đối với phụ nữ mang thai, chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai ≥13 tuần khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.
Phụ nữ có thai có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19 so với những người không mang thai.
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ loại vaccine nào, kể cả vaccine COVID-19, có thể gây khó khăn cho khả năng sinh sản của nam hoặc nữ cũng như việc mang thai.
Vì vậy, việc tiêm phòng vaccine COVID-19 ở phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai là cần thiết.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cả 2 loại vaccine ngừa COVID ‐ 19 là Pfizer và Moderna có thể được tiêm cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Phụ nữ mang thai cần được tư vấn đầy đủ trước khi tiêm vaccine
Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai và đang nghĩ đến việc tiêm vaccine, hãy tư vấn với bác sĩ của bạn về những lợi ích và rủi ro của vaccine. Trước khi quyết định tiêm vaccine, bạn có thể hỏi để nhận được tư vấn của bác sĩ theo dõi thai kỳ của mình.
Để giúp bạn đưa ra quyết định, chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn sẽ dựa vào những câu hỏi chính như sau:
Vaccine COVID-19 có an toàn không?
Vaccine được WHO cấp phép sử dụng là những loại vaccine đảm bảo an toàn. 2 loại vaccine được cho phép sử dụng cho phụ nữ có thai hiện nay không phải là vaccine sống. Vì vậy chúng không có khả năng ảnh hưởng tới thai nhi. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy vaccine có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra trong 3 ngày đầu sau khi tiêm vaccine. Bao gồm: sốt nhẹ đến trung bình, nhức đầu và đau cơ. Các tác dụng phụ có thể nặng hơn sau khi tiêm mũi thứ 2.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ mang thai bị sốt sau khi tiêm vaccine nên uống acetaminophen để hạ sốt. Thuốc này an toàn để sử dụng trong thai kỳ và không ảnh hưởng đến hoạt động của vaccine.
Lợi ích của việc tiêm vaccine COVID-19 là gì?
Bạn cần được tiêm đủ 2 liều vaccine để đạt được hiệu quả bảo vệ tối ưu nhất. Vaccine có thể giúp bạn không bị nhiễm COVID-19 hoặc nếu nhiễm bệnh sẽ giảm nguy cơ bệnh nặng dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng, những người tiêm COVID-19 mRNA khi đang mang thai (hầu hết đều ở tam cá nguyệt thứ 3) đã truyền kháng thể sang bào thai, giúp bảo vệ đứa trẻ khi sinh ra.
Vaccine có thể giúp bảo vệ bạn không bị nhiễm COVID ‐ 19.
Nguy cơ của phụ nữ mang thai mắc COVID ‐ 19
Từ 1-3 người/1 triệu phụ nữ mang thai mắc COVID-19 sẽ phát bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV-2.
So với những người bình thường, những người mang thai bị nhiễm COVID ‐ 19 sẽ có khả năng cần chăm sóc ICU và sử dụng ống thở tới 2-3 lần. Điều này dẫn đến việc phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn. Họ cũng dễ bị tăng nguy cơ thai chết lưu và sinh non do COVID ‐ 19.
Phụ nữ lớn tuổi mang thai, những người có vấn đề sức khẻoẻ từ trước, chẳng hạn như những phụ nữ thừa cân, béo phì, mắc đái tháo đường và mắc bệnh tim có nguy cơ mắc bệnh nặng và từ vong do COVID-19 nhiều hơn.
Sau khi thảo luận về các câu hỏi trên với bác sĩ chăm sóc thai sản của bạn, bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt về việc có nên tiêm vaccine hay không.
Những người duy nhất không nên tiêm vaccine là những người đã có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine.
Lựa chọn tiêm vaccine vẫn là tối ưu nhất
Nếu bạn chọn tiêm vaccine, các nhà khoa học luôn đảm bảo rằng nó an toàn cho tất cả mọi trường hợp.
Bạn sẽ cần chuyên gia chăm sóc sức khỏe kiểm tra hàng ngày trong vòng 1 tuần sau khi tiêm vaccine. Bạn cũng có thể báo cáo bất kỳ tác dụng phụ hoặc mối lo ngại nào mà bạn gặp phải thông qua các ứng dụng theo dõi sức khỏe thông minh. Nhân viên tại trung tâm tiêm chủng sẽ hướng dẫn bạn cách đăng ký và sử dụng ứng dụng này.
Nếu bạn chọn không tiêm vaccine khi đang mang thai, bạn có thể lùi lại thời điểm tiêm sau khi sinh. Dù bạn quyết định thế nào, cũng nên cân nhắc tiêm vaccine càng sớm càng tốt.
Điều quan trọng là bạn vẫn tiếp tục tuân thủ các bước phòng ngừa lây nhiễm COVID ‐ 19 như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì khoảng cách ít nhất là 2m khi tiếp xúc với người khác.
Theo Báo Sức khoẻ đời sống