Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp: Bộ Y tế lập 8 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 20 địa phương
Ngày đăng: 30/07/2019 - Lượt xem: 757
Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã lập 8 đoàn kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh này tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm.
Hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Trong các tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ. Tại Việt Nam từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 96.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có gần 43.000 ca phải nhập viện và có 11 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng 3,2 lần so cùng kỳ năm trước.
Các tỉnh, thành phố có số ca mắc trên 100.000 nghìn dân cao nhất nước là Khánh Hoà, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đồng Nai.
Dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc. Trước tình hình này, tại Quyết định số 3301/QĐ-BYT, ký ban hành ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã lập 8 đoàn công tác kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm: Khánh Hoà, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh.
Theo quyết định này, các đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra công tác triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống sốt xuất huyết; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, công tác chuyên môn về dự phòng, giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng; vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương; thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch.
Bên cạnh đó, đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh về các biện pháp kiểm soát sốt xuất huyết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước nói rõ, hiện nay đang là mùa cao điểm dịch sốt xuất huyết, số mắc tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số ca mắc mới sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai hoạt động diệt lăng quăng, bọ gây trên địa bàn ngay trong tháng 7/2019 và duy trì 1 tuần/ 1 lần tại các vùng có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Huy động các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy.
Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho cộng đồng về phòng, chống sốt xuất huyết tập trung tuyên truyền đến người dân về việc diêt lăng quăng, bọ gậy; phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun muỗi tại gia đình. Ngành y tế tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát sinh. Tổ chức các phun hoá chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hoá chất xử lý triệt để khi phát hiện những ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng.
Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, khi nhập viện thì đã nặng, nguy cơ tử vong cao. Đồng thời có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế quá tải.
Các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra giám sát việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch và xử lý nghiêm các hộ gia đình vi phạm trong vệ sinh môi trường để phát sinh lăng quăng, bọ gậy.
Theo Báo Sức khỏe đời sống