Tự hào 75 năm Ngày Truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng
Ngày đăng: 06/10/2023 - Lượt xem: 630

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra đối với việc bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết… , đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Từ ngày thành lập đến năm 1948, công tác kiểm tra của Đảng đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và trực tiếp chỉ đạo, chưa thành lập bộ máy kiểm tra chuyên trách, mà nhiệm vụ này do các cấp ủy và các tổ chức đảng thực hiện.

Cuối năm 1948, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, ngày 16/10/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương – Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng, do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng Ban. Và sau này, Bộ Chính trị khóa VIII quyết định lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống, là mốc son đầu tiên trong chặng đường xây dựng, phát triển ngành Kiểm tra Đảng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951), Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị: “Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”; đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Trưởng Ban Kiểm tra Đảng kiêm giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ. Ngày 06/3/1956, Bộ Chính trị khóa II ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức ban kiểm tra các cấp. Theo đó, ban kiểm tra các khu ủy, tỉnh ủy được thành lập.

Ngày 25/4/1956, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 263/SL cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương kiêm giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ. 

Đến Hội nghị Trung ương 10 khóa II (tháng 3/1957), căn cứ vào tình hình thực tế, Trung ương quyết định tách riêng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ban Thanh tra Chính phủ; kiện toàn Ban Kiểm tra Trung ương, gồm các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng Ban. Cuối nhiệm kỳ Đại hội II, ban kiểm tra đã được thành lập từ Trung ương đến cấp khu và cấp tỉnh, thành phố.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960), quy định: “Ban Chấp hành Trung ương, các ban chấp hành khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc, huyện, quận, thị, thành phố và khu phố (thuộc thành phố trực thuộc) cử ra UBKT của cấp mình, gồm một số ủy viên trong ban chấp hành. Ngoài ra, có thể cử một số ủy viên ngoài ban chấp hành”. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng Ban. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khóa III) đã chỉ định, bổ sung 06 đồng chí. Cũng từ đây, ban kiểm tra các cấp đổi tên thành ủy ban kiểm tra và do cấp ủy cùng cấp bầu ra.

Do đặc điểm lịch sử lúc đó, ở miền Bắc, tính từ Vĩnh Linh trở ra, ủy ban kiểm tra mới được thành lập đến cấp quận, huyện và tương đương ở 31 tỉnh, thành phố và 7 đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Ở miền Nam, do điều kiện chiến tranh, nên trước năm 1969, hầu hết chưa thành lập cơ quan kiểm tra chuyên trách, công tác kiểm tra nói chung vẫn do cấp ủy thực hiện. Ngày 14/8/1969, Trung ương Cục miền Nam ban hành Nghị quyết số 13 về việc thành lập Ban Kiểm tra các cấp; từ đó Ban Kiểm tra Trung ương Cục được thành lập do đồng chí Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng Ban. 

Ở khu V, Ban Kiểm tra Khu ủy được thành lập tháng 3/1970, do đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Thường vụ Khu ủy làm Trưởng Ban. 

Sau khi đất nước thống nhất, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam và Ban Kiểm tra Khu ủy Khu V hợp nhất vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 17 đồng chí, đồng chí Song Hào, Bí thư Trung ương Đảng được giữ chức vụ Trưởng Ban. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 10 đồng chí, đồng chí Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng được bầu làm Chủ nhiệm. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), ủy ban kiểm tra được thành lập hệ thống đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và đổi tên chức danh người đứng đầu thành chủ nhiệm.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 đồng chí, do đồng chí Trần Kiên, Bí thư Trung ương Đảng được bầu làm Chủ nhiệm.  

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 9 đồng chí; đồng chí Đỗ Quang Thắng, Bí thư Trung ương Đảng (sau đó được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị) được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 1996-2001, Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 11 đồng chí; đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2001-2005, Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 09 đồng chí; đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm; Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (tháng 01/2003) bầu đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương vào Ban Bí thư và bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thay đồng chí Lê Hồng Anh đảm nhiệm chức vụ Thường trực Ban Bí thư và bầu bổ sung 05 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương lúc này có 14 đồng chí. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2006-2011, Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 14 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm. Sau bầu cử Quốc hội khóa XII (tháng 7/2007), đồng chí Nguyễn Thị Doan và đồng chí Trần Văn Truyền được phân công nhận nhiệm vụ mới; Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X bầu bổ sung 03 đồng chí: Trịnh Long Biên, Nguyễn Đình Phách, Nguyễn Công Học vào Ủy ban, nâng tổng số thành viên Ủy ban là 15 đồng chí. Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) diễn ra từ ngày 05 đến ngày 13/01/2009, bầu bổ sung 03 đồng chí: Mai Thế Dương, Mai Trực, Trần Cẩm Tú làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2011-2015, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí; đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 21 đồng chí; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm. Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức vụ Chủ nhiệm. 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Trung ương bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 19 đồng chí; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ nhiệm. Tại Hội nghị lần thứ 3 vào tháng 7/2021, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 02 ủy viên, nâng tổng số ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII lên 21 đồng chí.

Qua mỗi nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra được Đại hội Đảng toàn quốc thảo luận, bổ sung và được chính thức ghi vào Điều lệ Đảng. Từ một số nhiệm vụ phục vụ cấp ủy kiểm tra thực hiện đường lối kháng chiến, kiến quốc; xem xét những việc bất thường xảy ra, đến kiểm tra những vụ việc đảng viên làm trái Điều lệ, vi phạm kỷ luật của Đảng; từ tăng cường kiểm tra việc chấp hành, thực hiện chỉ thị, nghị quyết đến kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Cùng với đó, ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện giải quyết đơn thư tố cao, giải quyết khiếu nại kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên; xử lý và giúp cấp ủy tiến hành kiểm tra, xử lý kỷ luật trong Đảng... Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Điều lệ Đảng quy định tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho ủy ban kiểm tra từ cấp huyện ủy, quận ủy và tương đương trở lên; quy định cơ quan ủy ban kiểm tra cấp trên cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc, có thêm nhiệm vụ chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ giám sát cho ủy ban kiểm tra các cấp. Tại Hội nghị lần thứ năm, khóa X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đây là nhiệm vụ Đảng giao xuất phát từ thực tiễn khách quan của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng do Ban Bí thư tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá rất cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Kiểm tra Đảng: “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn một chục nghìn tổ chức đảng và hơn 7 vạn đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu. Điều đó khẳng định quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản lĩnh của ngành Kiểm tra Đảng trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, đã lựa chọn đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời quyết liệt trong tổ chức thực hiện, kết luận rõ các vi phạm, khuyết điểm, kiến nghị hủy bỏ các nghị quyết, quyết định trái thẩm quyền, tạo sự ổn định cho địa phương, cơ quan, đơn vị…”

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng”. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, trong đó, bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng, bổ sung thẩm quyền thi hành kỷ luật cho ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở và thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng cho ủy ban kiểm tra các cấp. Ngày 18/4/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Trải qua 75 năm, ngành Kiểm tra của Đảng không ngừng phát triển và trưởng thành, lớn mạnh cả về lực lượng, cơ cấu tổ chức bộ máy. Khi mới thành lập chỉ có 03 đồng chí ở cấp Trung ương, đến nay đã có hơn 6.000 cán bộ chuyên trách từ cấp huyện và tương đương trở lên cùng với hơn 12.000 cán bộ kiểm tra kiêm chức. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quan tâm của cấp ủy các cấp, ngành Kiểm tra Đảng luôn phát huy truyền thống, tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, kỷ cương và tận tụy, không ngừng đổi mới tư duy, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ban Biên tập

 



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 138

  • Tổng lượt truy cập: 23733008

  • Hôm nay: 16230