Việt Nam đứng thứ 4 ở châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh
Ngày đăng: 22/11/2020 - Lượt xem: 8613

Thực trạng kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với các bệnh truyền nhiễm còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật như: nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện… đang là gánh nặng thực sự vì sự gia tăng chi phí do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền

Tỷ lệ kháng kháng sinh ở Việt Nam chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương. Nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy đã xuất hiện một vài trường hợp kháng cả Colistin - kháng sinh thế hệ mới nhất.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng 88% người dân sử dụng thuốc không kê đơn dẫn đến việc sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, lâu ngày gây "nhờn" thuốc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc không hợp lý; vi khuẩn kháng thuốc lây truyền từ người này sang người khác hoặc từ vật nuôi qua người...

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra cảnh báo tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng và cũng nguy hiểm như đại dịch COVID-19, thậm chí có nguy cơ đảo ngược những tiến bộ y học trong một thế kỷ.

Theo WHO, tình trạng kháng thuốc kháng sinh là "một trong những mối đe dọa y học lớn nhất trong thời đại của chúng ta", có thể khiến loài người không còn khả năng tự bảo vệ trước các bệnh nhiễm trùng mà ngày nay có thể dễ dàng chữa trị.

Mỗi năm, khoảng 700.000 người tử vong trên toàn cầu vì kháng thuốc kháng sinh. Con số này có thể tăng lên đến 10 triệu người vào năm 2050 nếu thế giới không hành động mạnh mẽ. WHO đang phối hợp với các tổ chức để thành lập một nhóm vận động hành động khẩn cấp để chống lại mối đe dọa trên

Năm nay, “Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc được phát động từ ngày 18/11 đến ngày 24/11 với thông điệp “Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta”.

Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc được tổ chức hàng năm  nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường. Mỗi cán bộ y tế cần sử dụng kháng sinh có đúng trách nhiệm, chỉ định sử dụng kháng sinh đúng các hướng dẫn chuyên môn và kê đơn khi cần thiết.

Riêng mỗi cá nhân khi sử dụng kháng sinh cần lưu ý: Chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình. Vì khi chia sẻ, sẽ thiếu liều thuốc cần uống và vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn mạnh mẽ lên và kháng lại các thuốc điều trị. Điều này gây nguy hiểm cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.

Nâng cao nhận thức ngay từ mỗi cá nhân bằng cách bắt đầu bằng thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý mua kháng sinh về dùng cho bất cứ ai hoặc dùng trong chăn nuôi. Nhắc nhở những người quen nếu thấy họ dùng kháng sinh bừa bãi.

Nguồn: https://vtv.vn/xa-hoi/viet-nam-dung-thu-4-o-chau-a-thai-binh-duong-ve-ty-le-khang-thuoc-khang-sinh-20201121181547797.htm 

Khoa Dược



Hình ảnh hoạt động nổi bật

Video Bệnh viện

Liên hệ / Gửi câu hỏi

Liên kết website

Thống kê truy cập

  • Online: 82

  • Tổng lượt truy cập: 23232094

  • Hôm nay: 3875