Nhiều cơ sở tiên phong xây dựng mô hình "Bệnh viện không khói thuốc" Ngày đăng: 02/06/2016 - Lượt xem: 3482
Để giảm bớt nguy cơ về bệnh tật, tạo môi trường trong sạch, thời gian qua nhiều cơ sở khám chữa bệnh đã tiên phong xây dựng mô hình “Bệnh viện không khói thuốc”, tạo hiệu ứng tích cực, điển hình như Bệnh viện Đa khoa Tỉnh và Bệnh viện Phổi.
Đến bệnh viện Đa khoa tỉnh, điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy là môi trường bệnh viện đã thực sự có nhiều thay đổi; khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh. Đặc biệt tình trạng hút thuốc lá của cán bộ y tế đã không còn. Tình trạng người nhà, người đến thăm người bệnh hút thuốc lá tại khuôn viên và phòng bệnh cũng đã giảm đi rõ rệt. Bác Trần Công Sơn, Phường Tân Giang, Thành phố phấn khởi: "tôi thật sự thấy mừng vì bệnh viện tỉnh có nhiều thay đổi, đặc biệt là môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Đến đây tôi có cảm giác như được ở nhà. Sau gần một tuần điều trị, sức khỏe của tôi đã khá hơn nhiều".
Là một bệnh viện có gần 700 cán bộ, nhân viên, mỗi ngày tiếp đón, khám và điều trị cho cả ngàn người bệnh, cùng với từng đó số người nhà, người thăm nuôi đã tạo cho môi trường bệnh viện luôn trong tình trạng ngột ngạt. Trước đây bệnh viện vẫn còn tình trạng cán bộ, y, bác sỹ hút thuốc lá trong bệnh viện. Người nhà, người đến thăm bệnh nhân cũng thường xuyên hút thuốc lá tại các phòng bệnh và khuôn viên bệnh viện. Tuy nhiên sau khi thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá, đơn vị đã xây dựng bệnh viện không khói thuốc và đưa tiêu chí này vào đánh giá thi đua hàng năm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đưa ra các quy định và gương mẫu thực hiện; tổ chức cam kết xây dựng “Cơ sở y tế không hút thuốc” và áp dụng các biện pháp phạt cá nhân và các khoa, phòng vi phạm quy định về cấm hút thuốc theo quy định hiện hành. Đặc biệt, trước mỗi khoa, phòng đều có các tấm biển rất lịch sự: “Cảm ơn bạn, đã không hút thuốc!”. Thông qua đó, tất cả mọi người từ cán bộ, nhân viên y tế đến các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến đây đều rất hài lòng; từ đó cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng tác với bệnh viện, bảo vệ môi trường trong sạch, vì sức khỏe của mỗi người.
Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn, Phó giám đốc Bệnh viện chia sẻ: xác định xây dựng bệnh viện không khói thuốc lá là tạo môi trường làm việc lành mạnh, đảm bảo quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc; giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Do đó, bước đầu bệnh viện đã thành lập Ban chỉ đạo, lấy đoàn thanh niên, công đoàn làm nồng cốt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, ký cam kết giữa các khoa, phòng; tăng cường công tác giám sát thực thi nghiêm Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Vì thế, sau một thời gian triển khai, ý thức tự giác của các y, bác sỹ và người nhà người bệnh tăng lên rõ rệt. 100% cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện không hút thuốc lá tại bệnh viện. Tại các phòng chờ khám, các phòng điều trị tình trạng hút thuốc lá của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã gần như không còn. Đây là thành công lớn của bệnh viện trong việc thực hiện môi trường bệnh viện không khói thuốc, góp phần đảm bảo sức khỏe cho mọi người.
Bên cạnh bệnh viện tỉnh, thì bệnh viện Phổi cũng đã và đang xây dựng "Bệnh viện không khói thuốc". Anh Trần Ngọc Cường, người đến chăm sóc bệnh nhân cho biết: "ở đây, trước các khoa, phòng, trong khuôn viên bệnh viện đều treo biển cấm hút thuốc lá, cho nên mỗi khi thèm thuốc tôi phải ra ngoài cổng bệnh viện, vì nếu hút ở trong khuôn viên bệnh viện thì bị bảo vệ và cán bộ y tế nhắc nhở. Ở đây, muốn mua thuốc lá phải đi xa vì ở trong căng tin cũng cấm bán thuốc lá, vì thế nên tôi cũng giảm được số lần hút thuốc lá".
Bác sĩ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc bệnh viện Phổi cho biết: thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá tại đơn vị bước đầu gặp nhiều khó khăn. Một số cán bộ tỏ ra không đồng tình, đặc biệt là nhận thức của người nhà vào chăm sóc bệnh nhân còn hạn chế. Vì thế, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động, khuyến khích bản thân cán bộ bỏ thuốc lá. Đồng thời, đặt các biển báo "cấm hút thuốc" ở khuôn viên và hầu hết các khoa, phòng của bệnh viện, những nơi dễ nhìn thấy và nơi nhiều người đi lại nhất; tuyên truyền hướng dẫn bệnh nhân và người đến thăm, chăm sóc bệnh nhân… hiện nay 100% cán bộ, đoàn viên không hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện và trở thành những giám sát viên thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thực hiện quy định không hút thuốc lá tại bệnh viện. Tình trạng hút thuốc lá của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, khách đến liên hệ công tác đã giảm đáng kể.
Xây dựng "Bệnh viện không khói thuốc" là thể hiện một nét đẹp văn hóa. Đồng thời nhằm bảo vệ sức khỏe cán bộ y tế giúp họ làm việc hiệu quả hơn và bảo vệ được hình ảnh đẹp của người thầy thuốc; tạo môi trường và bầu không khí trong sạch giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả hơn; giảm thiệt hại về kinh tế cho bệnh viện và cho gia đình; giảm chi phí vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế chưa có quy định về thực khi môi trường không khói thuốc lá, thực thi Luật vẫn còn hạn chế, vì thế vẫn còn tình trạng có một số cán bộ nhân viên, bệnh nhân và người thăm, chăm sóc còn hút thuốc lá. Để Luật phòng chống tác hại thuốc lá được thực thi nghiêm túc tại các cơ sở y tế, thời gian tới Ngành Y tế tiếp tục có những giải pháp mang tính đột phá như: tăng cường việc thực thi nghiêm Luật phòng chống tác hại thuốc lá và môi trường không khói thuốc; 100% bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện có nội quy, quy định về việc thực thi môi trường không khói thuốc trong khuôn viên đơn vị và thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc; triển khai phổ biến nội quy và các hoạt động hỗ trợ việc thực hiện quy định thực thi môi trường không khói thuốc. Hy vọng thời gian tới Luật phòng chống tác hại thuốc lá sẽ được thực thi nghiêm, nhằm hạn chế tác hại thuốc lá, hạn chế những bệnh có liên quan đến thuốc lá, tạo nên môi trường trong các đơn vị y tế trong sạch, thoáng đãng, đem đến sự hài lòng của cán bộ y tế cũng như người bệnh và người nhà bệnh nhân khi đến khám và chữa bệnh./.