Thông tuyến huyện - tạo điều kiện tối đa cho người tham gia Bảo hiểm y tế tiếp cận các dịch vụ y tế. Ngày đăng: 18/01/2016 - Lượt xem: 1929
Để đáp ứng nhu cầu của người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định: Từ 01/01/2016, sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến xã trong cùng địa bàn tỉnh. Theo đó, người tham gia BHYT có đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở một trạm y tế xã hoặc một phòng khám đa khoa hoặc một bệnh viện huyện thì được quyền đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Các tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa xã và huyện trên cùng địa bàn tỉnh sẽ được mở thông. Điều đó có nghĩa là việc khám, chữa bệnh BHYT, người tham gia BHYT sẽ thuận lợi hơn, không bị giới hạn bởi một cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng quy định.
Cùng với việc cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, việc quy định “thông tuyến” trong Luật BHYT sửa đổi tại các đơn vị khám chữa bệnh nhằm mục đích chính là mang lại điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Từ 1/1/2016, theo Thông tư 40/2015/TT- BYT mới được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT,người dân được thanh toán 100 % chi phí khám chữa bệnh BHYT thông tuyến xã, huyện. Người tham gia BHYT sẽ được khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại bất kỳ cơ sở y tế cấp xã, huyện nào trong cùng địa bàn tỉnh mà không bị coi là trái tuyến. Điều này tạo điều kiện rất lớn cho người dân đi khám và điều trị. Bà Trần Thị Xuân, tại xóm Liên Yên, Thạch Hội, Thạch Hà chia sẻ: “ Tôi mới đăng ký mua thêm BHYT cho chồng tôi. Trước đây tôi có tham gia BHYT nhưng thấy thủ tục thanh toán rườm rà, phải chạy đi chạy lại xin giấy chuyển viện, mỗi lần khám trái tuyến lại phải trả thêm tiền. Giờ có thẻ BHYT, người bệnh như vợ chồng tôi có thể đi khám bất cứ bệnh viện nào cùng tuyến trong tỉnh. Tôi cho như thế là rất hợp lý và gia đình tôi rất mừng về thông tin này”.
Theo Bác sĩ Nguyễn Đại Chiến, Trưởng phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế: Trước đây, tại bệnh viện tuyến huyện, trong trường hợp người dân đi khám không đúng tuyến theo quy định thì quỹ BHYT sẽ chỉ thanh toán 70% chi phí khám chữa bệnh. Theo Luật BHYT sửa đổi, bắt đầu từ ngày 1/1/2016 quỹ sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với những đối tượng khám chữa bệnh trong cùng địa bàn tỉnh. Đây là quy định hết sức quan trọng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh lý, người bệnh sẽ được chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh.
Bác sĩ Chiến cũng nhấn mạnh: thông tuyến không chỉ mang lại thuận lợi cho người bệnh mà sẽ tạo ra cuộc đua về chất lượng giữa các Bệnh viện cùng hạng để thu hút bệnh nhân. Việc thông tuyến này sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương, đòi hỏi các cơ sở khám chữa bệnh phải thay đổi, tăng cường đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, chất lượng khám chữa bệnh. Việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố để thúc đẩy các Bệnh viện, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ. Mục đích cuối cùng để bệnh nhân là người được hưởng lợi khi chất lượng dịch vụ tăng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của chính họ.
Theo bác sĩ Hoàng Thư- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ: Ngay trước khi quy định trên chính thức có hiệu lực, Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ đã chú trọng xây dựng chất lượng bệnh viện, trong đó tập trung nâng cao công tác truyền thông cho mọi người dân về chất lượng Bệnh viện. Bên cạnh đó đã cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại, bổ sung nguồn nhân lực, thay đổi phong cách phục vụ theo hướng làm người bệnh hài lòng. triển khai nhiều kỹ thuật cao. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất tại các khoa phòng, buồng bệnh, các phương tiện chăn màn, quần áo cho bệnh nhân, lắp hệ thống điều hòa tại các phòng chăm sóc bệnh nhân. Mời các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực về tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề, chuyển giao kỹ thuật bằng “cầm tay chỉ việc”, cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn tại bệnh viện tuyến trên.
Tại Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà, là một bệnh viện của một huyện còn nghèo, cơ sở vật chất của Bệnh viện còn thiếu thốn, trước tình hình thực hiện Thông tư này, Bệnh viện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, như là tăng cường tuyên truyền cho người bệnh và nhân dân khi đến khám chữa bệnh trong bệnh viện biết nội dung của Thông tư, đặc biệt là tuyên truyền cho nhân viên bệnh viện biết về những khó khăn cũng như thách thức đặt ra đối với bệnh viện. Đẩy mạnh cam kết đổi mới phong cách hướng tới hài lòng người bệnh, cải tiến quy trình khám chữa bệnh tại phòng khám nhằm giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho người bệnh.
Thực hiện Thông tư 40, Bệnh nhân sẽ là người đánh giá chuẩn nhất chất lượng Bệnh viện trong quá trình chính họ đi khám bệnh. Đây là một cuộc đua lành mạnh, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.