Tiếng thơm vọng mãi muôn đời...
Ngày đăng: 21/02/2016 - Lượt xem: 1870
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cách xa thế hệ ngày nay hơn 2 thế kỷ nhưng những giá trị về đạo đức, tư tưởng của ông trong y học, văn học vẫn nguyên giá trị...
Tôi trở lại Hương Sơn trong một chiều mùa xuân nhẹ nắng. Dòng Ngàn Phố lấp lánh ánh mặt trời lặng lẽ xuôi về Tam Soa, dáng núi in bóng dòng sông mềm mại mà vững chãi. Tôi ngước nhìn lên “cánh diều no gió” Minh Tự - nơi an nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Khoảnh khắc tìm kiếm bức tượng hiền từ của người trên ngút xanh núi đồi, trong tâm hồn tôi lại dậy lên những đợt triều dâng tự hào về bậc thiên tài của quê hương.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh năm 1720 ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương) là con thứ 7 của ông Lê Hữu Mưu, Tiến sỹ Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông. Mẹ ông là bà Bùi Thị Thường, một người phụ nữ thông minh ở làng Bầu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Sơn Quang - Hương Sơn). Thuở nhỏ, được theo cha học tập ở kinh kỳ Thăng Long, Lê Hữu Trác sớm nổi tiếng tinh anh, thông thạo cả nho, y, lý, số…
|
Du khách hành hương về Khu di tích lịch sử Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: Thanh Hoài
|
Ngày đi học, ông đã nổi tiếng là học trò hay chữ, thi đậu tam trường. Sau đó, ông học binh thư và sung vào quân đội chúa Trịnh. Được một thời gian, thấy xã hội rối ren, ông chán nản, viện cớ anh trai mất, xin về quê mẹ, học nghề thuốc rồi trở thành danh y nổi tiếng bậc nhất nước ta.
Về quê mẹ, ông làm nhà cạnh rừng và đặt tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông với ngụ ý muốn lánh mình khỏi chốn quan trường, giải phóng khỏi sự ràng buộc của danh lợi. Như một mối duyên tiền định, trong một lần bệnh nặng, được thầy thuốc cứu chữa, ông nhận thức được việc chữa bệnh cứu người là vô cùng quan trọng và bắt đầu chú tâm vào đọc sách nghiên cứu. Nhờ hiểu thấu đáo lý luận, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, cẩn trọng trong công việc, Hải Thượng Lãn Ông đã có những kiến giải đúng đắn về y học, sinh lý học, dược học. Ông cũng đã có những sáng tạo đặc sắc trong việc vận dụng lý luận y học vào thực tiễn Việt Nam.
Không chỉ lấy nghề thuốc để làm việc nhân nghĩa, ông còn thực hiện một lý tưởng cao cả hơn, chính là “dựng lên ngọn cờ đỏ thắm trong y giới”. Với tâm nguyện “Chữa bệnh thì chỉ cứu được một người, còn làm sách truyền phương thì giúp đời vô tận”, suốt cả cuộc đời làm thuốc, Đại danh y đã phát hiện 305 vị thuốc nam, sưu tầm, thu thập 2.854 vị thuốc nam hay của các bậc tiền bối. Ông còn soạn sách và mở trường thuốc để truyền bá y học. Bộ Y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển ông soạn trong chừng 40 năm được xem là bộ “Bách khoa toàn thư” về y học xuất sắc nhất thời trung đại Việt Nam.
Bác sỹ Trần Xuân Dâng – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, đông y Hà Tĩnh đã và đang ứng dụng nhiều bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông trong thực tế chữa bệnh. Đặc biệt, 9 bài học về y đức của Đại danh y Lê Hữu Trác trong Y huấn cách ngôn và 8 chữ “Nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần” mãi là ngọn đuốc sáng ngời soi đường chỉ lối cho các thế hệ thầy thuốc Hà Tĩnh”.
|
Toàn cảnh khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông.
|
Y tông tâm lĩnh không chỉ là bộ sách quý về y học mà còn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị văn học. Đặc biệt, tập bút ký Thượng kinh ký sự có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, thể hiện rõ tư tưởng chối bỏ chế độ phong kiến và tâm lý tiêu biểu của một số trí thức có nhân cách đương thời.
GS. Nguyễn Huệ Chi đánh giá, Thượng kinh ký sự là một cuốn bút ký rất hiếm thấy trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII. Tác phẩm được viết dưới một cảm hứng chủ đạo là tinh thần thoái thác công danh. Qua các chuyện được kể, tác giả “như muốn chán ghét hết thảy những gì bắt gặp ở đây...” (Thăng Long) nhưng “ông vượt khỏi cái nhìn có ý nghĩa phê phán mà chuyển sang một cái nhìn đầy rung cảm – ngòi bút của ông đột nhiên in sâu những giá trị trữ tình. Hai mặt hiện thực và trữ tình quyện chặt vào nhau thành một phong cách độc đáo...”.
Để tôn vinh những đóng góp to lớn, gìn giữ những giá trị vật thể và phi vật thể của Đại danh y Lê Hữu Trác, năm 2003, Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định phê chuẩn dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Công trình được khởi công cuối năm 2004, đến nay, các hạng mục của quần thể di tích bao gồm khu vực mộ - tượng đài và nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã hoàn thành và được khai thác, phát huy hiệu quả.
Nhằm khai thác nhiều hơn nữa những giá trị về y học, văn học, đạo đức, tư tưởng mà Lê Hữu Trác để lại cũng như quảng bá hình ảnh quê hương Hương Sơn với du khách, năm 2012, một người con xa quê đã trở về đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Hải Thượng. Khu du lịch với kiến trúc độc đáo, cùng những công trình gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông, với những món ăn dân dã của cùng đất Hương Sơn đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, là điểm đến lý tưởng của du khách khi đến với Hà Tĩnh nói chung, huyện Hương Sơn nói riêng.
|
Một trong những gian hàng ẩm thực với những món ăn cổ truyền của miền quê Hương Sơn tại khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông. |
Từ năm 2012 trở lại đây, vào dịp tế giỗ Hải Thượng Lãn Ông, nhân dân khắp nơi lại về Hương Sơn, sắm sanh lễ vật, thành kính thắp nén hương thơm bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, đồng thời tham gia vào các hoạt động văn hóa, cầu sức khỏe, cầu quốc thái dân an. Huyện Hương Sơn đã phối hợp với các sở, ngành tiến hành sưu tầm, xây dựng, lập hồ sơ và đã được Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông Lê Đức Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể mang tính đại diện cao, thể hiện đậm đà bản sắc miền núi huyện Hương Sơn. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã và đang phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất Đại danh y Lê Hữu Trác và đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội Hải Thượng Lãn Ông”.
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cách xa thế hệ ngày nay hơn 2 thế kỷ nhưng những giá trị về đạo đức, tư tưởng của ông trong y học, văn học vẫn nguyên giá trị. Qua mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ, những giá trị đó lại được trao truyền, kế thừa và sáng tạo, để tiếng thơm của Đại danh y còn lưu mãi tới muôn sau...
Theo Báo Hà Tĩnh